Xem xét giảm số ngày lấy nước đợt 2 ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cân nhắc giảm số ngày lấy nước đợt 2 và tiếp tục đợt 3 một vài ngày cho phù hợp với mùa vụ của Hà Nội.
Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) hoạt động hết công suất để bơm nước phục vụ đổ ải. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) hoạt động hết công suất để bơm nước phục vụ đổ ải. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 6/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 tại một số công trình đầu mối như trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) và trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai).

Qua kiểm tra tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đợt 2 lấy nước cơ bản phục vụ cho Hà Nội.

Hà Nội lấy nước muộn nhưng địa phương phải cố gắng gieo cấy xong trong tháng Hai để kịp thời vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ngay sau đợt 1 lấy nước, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có 54% diện tích gieo cấy có nước.

Nhờ có đợt mưa lớn trong dịp Tết nên diện tích có nước của khu vực được tăng lên 30%.

[Gần 54% diện tích đã có nước để gieo cấy vụ Đông Xuân]

Hôm nay là ngày thứ 2 của đợt lấy nước đợt 2, các tỉnh đã đạt trên 90% và đa số các tỉnh đạt 100%. Riêng Hà Nội đạt 72% diện tích và phần nhỏ diện tích ở Nam Định cần đẩy mặn. Vụ Đông Xuân này chắc chắn đạt kế hoạch lấy nước và đủ nước để sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tính giảm số ngày lấy nước đợt 2 và tiếp tục đợt 3 một vài ngày cho phù hợp với mùa vụ của Hà Nội.

Trong đợt 1, các nhà máy thủy điện đã xả khoảng 1,1 tỷ m3, đợt 2 dự kiến xả dưới 2 tỷ m3. Vụ Đông Xuân năm nay dự kiến, các nhà máy thủy điện xả 3,5 tỷ m3. Như vậy, dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng trên 2 tỷ m3 nước so với kế hoạch.

Xem xét giảm số ngày lấy nước đợt 2 ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ ảnh 1Nông dân xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai làm đất chuẩn bị cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

"Hà Nội có diện tích lấy nước không đều, vụ Đông kéo dài. Về lâu dài, Hà Nội cần có tính toán quy hoạch về sản xuất. Hà Nội có diện tích sản xuất lúa xen kẽ nhiều nên cần tăng cường chuyển đổi cây trồng, nhất là trên diện tích lấy nước gặp nhiều khó khăn," Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay năm nào Hà Nội cũng gặp khó khăn trong việc lấy nước đổ ải cho gieo cấy vụ Đông Xuân.

Thời gian trước Tết Nguyên đán, chúng ta rất lo lắng về việc đảm bảo nguồn nước vụ Đông Xuân, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cùng với yếu tố thuận lợi thời tiết thì đến nay việc lấy nước đã vượt tiến độ.

Các địa phương, đơn vị đã chủ động kế hoạch điều tiết nước từ rất sớm. Đặc biệt là sửa chữa, nâng cấp thêm các trạm bơm dã chiến để cấp nước lên ruộng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương trong thành phố tập trung, tích cực chuẩn bị điều kiện cho gieo cấy để đến 25/2 thành phố sẽ hoàn thành công việc này.

Với tình hình lấy nước như hiện nay, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc việc xả nước tiếp theo.

Nếu nhu cầu không cao thì đề nghị kết thúc sớm đợt 2 và đặc biệt không xả đợt 3. Bởi hằng năm, khi kết thúc đợt 3, các địa phương lấy nước đạt trên 90%, các nhà máy thuỷ điện phát điện bình thường và các địa phương vẫn tiếp tục hoàn thành kế hoạch.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết diện tích có nước cho gieo cấy của thành phố đạt 72%.

Hiện, các địa phương gặp khó khăn nhất trong lấy nước là Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất và phần Mê Linh. Ngành đang tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị lấy nước và dự kiến ngày 10/2 thành phố sẽ đổ ải xong.

“Hà Nội đề nghị rút ngắn 3 ngày của đợt 2 và chuyển sang đợt 3 lấy nước để phục vụ cho cấy và tưới dưỡng một số vùng,” ông Chu Phú Mỹ cho hay.

Để có được kết quả trên, năm nay Hà Nội đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, nạo vét các cửa khẩu, nối dài các ống ở trạm bơm dã chiến, chủ động bơm sớm.

Bên cạnh đó, địa phương có mưa trong dịp Tết khoảng 50mm cùng với độ ẩm cao nên lượng nước cần cũng thấp đi. Việc thành phố đến nay đạt 72% diện tích có nước là vượt dự kiến ban đầu.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết hiện lịch gieo cấy của Hà Nội vẫn chậm hơn so với lịch thời vụ các địa phương trong vùng khoảng 1 tuần. Từ vụ Đông Xuân tới, thành phố sẽ điều chỉnh lịch thời vụ sớm lên để đồng bộ với các lịch của khu vực để lấy nước sớm lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.