Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến lao động xã hội mà các đại biểu Quốc hội đã nêu và đang được cử tri cùng nhân dân cả nước quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Khẳng định lao động-xã hội là vấn đề rất rộng, cần phải bàn thấu đáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trước mắt cần tập trung vào vấn đề giải quyết chính sách, quyền lợi với người lao động từ thành phố về quê. Có rất nhiều vấn đề bộc lộ ra qua các đợt dịch COVID-19, trong đó có vấn đề đã tồn tại từ trước như nhà ở của công nhân, các công trình phúc lợi...
Cho rằng số lượng hơn 1 triệu người dịch chuyển từ thành phố về quê cần được xem xét nằm ở khu vực nào, đối tượng nào, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ nếu chia ra thì đối tượng thứ nhất là người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc ở các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
[Họp Quốc hội: Giải pháp giữ chân và thu hút người lao động]
Với những trường hợp này, cơ bản các doanh nghiệp vẫn trả một phần lương nên tình trạng số lao động này quay lại “là tương đối tốt.” Những người chưa muốn quay lại phần nhiều do muốn thay đổi công việc như trong điều kiện bình thường.
Đối tượng thứ hai là người lao động không dài hạn và có tính thời vụ, làm việc ở công trường, các xí nghiệp nhỏ. Chúng ta cũng không biết số lao động không có cam kết dài hạn lúc nào sẽ quay lại.
Đối tượng thứ ba là người lao động tự do như ở Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, hầu hết không có hợp đồng, tự vào làm việc.
Đối tượng thứ tư là những người đi theo các lao động này như người trông con, cháu, rất khó nắm bắt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh có hai vấn đề lớn phải giải quyết là phải kiểm soát dịch cho tốt do vấn đề tâm lý của người lao động. Người lao động sợ nhất là quay lại rồi dịch bệnh xảy ra lại phải phong tỏa, phải chứng kiến cảnh ốm đau, mất mát. Vấn đề thứ hai là phải mở lại trường học do đa phần công nhân có con nhỏ học mẫu giáo, tiểu học. Về lâu dài, phải chăm sóc căn cơ cho người lao động, nếu dịch có trở lại thì người lao động vẫn phải được đảm bảo một phần tiền lương đủ cho cuộc sống.
Phó Thủ tướng cho biết tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh đã đi xuống từng doanh nghiệp để thảo luận và cơ bản giải quyết các công việc nhưng hiện nay “cần ở Trung ương mấy việc.” Đó là rà soát lại tất cả các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn nhưng không quá phức tạp, đặc biệt là vấn đề về xét nghiệm, xử lý F0, F1 có trong doanh nghiệp “một cách rất linh hoạt.”
“Rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp, sao cho doanh nghiệp thực sự lo cho công nhân của mình, đừng làm hình thức để có ca ca nhiễm hay có việc bảo vệ người công nhân thì đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền,” Phó Thủ tướng nói.
Nói rõ quy định về việc nới “trần” làm thêm với người lao động trong một thời gian rất ngắn vì cuối năm là thời điểm chốt các đơn hàng, rất quan trọng với cả doanh nghiệp và người lao động, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rất cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời nhưng thiết thực cho doanh nghiệp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện đang trình các cơ quan có thẩm quyền thảo luận, thậm chí xem xét trình Quốc hội kỳ này về việc áp dụng tạm thời trong một thời gian ngắn quy định đặc biệt việc hạn chế số giờ làm việc trong một tháng, cả năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng chính là tạo điều kiện cho người lao động.
Đề cập việc chủ động lo vaccine phòng bệnh cho người lao động, bố trí đón người lao động trở lại, Phó Thủ tướng cho biết các nước cũng đang trong tình trạng giống Việt Nam như Singapore, Malaysia thiếu tới gần 1 triệu lao động và còn phải tính mở cửa đón lao động nước ngoài vào. Nước nào cũng có những gói hỗ trợ lớn để hỗ trợ người lao động trở lại. Việt Nam cũng cần phải có những tính toán căn cơ.
“Chúng ta đã có một số gói hỗ trợ rồi, tới đây các địa phương đã chủ động rồi nhưng tôi cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét cùng với các địa phương để có các gói hỗ trợ riêng cho người lao động quay lại làm việc và đặc biệt lưu ý đối với người nhà đi theo để trông con cái,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Cũng trong sáng 11/11, cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình thêm các vấn đề về thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu lại địa bàn để người lao động hạn chế di cư, để việc "ly nông mà không ly hương."
Đây là nội dung được các đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) quan tâm, đặt câu hỏi tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều vấn đề khác như: phải quy hoạch tốt sản xuất nông nghiệp; đầu tư hạ tầng tốt; giải phóng đất đai; đào tạo nguồn nhân lực; thủ tục hành chính, môi trường đầu tư; định hướng đầu tư đúng hướng; triển khai các chính sách đúng theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Về định hướng đầu tư, Bộ trưởng cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không nên tiếp cận các dự án có hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị gia tăng thấp mà nên tập trung chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, tài chính có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Các cơ hội để cho những địa phương khác tiếp cận tốt hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện thành công cần có sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của từng địa phương.
Đối với Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Nghị định đã được triển khai thời gian dài nhưng kết quả còn hạn chế do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần diện tích đất đai lớn. Bên cạnh đó, việc tập trung tích tụ đất đai còn nhiều vấn đề bất cập, rủi ro cao nhưng lợi nhuận mang lại thấp. Đáng chú ý, chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tế.
"Chúng ta có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã giao lại vấn đề này cho các địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện khác nhau, các tỉnh, thành phố chưa tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng các dự án này. Trong cả giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư công trung hạn, chỉ có 24 địa phương trên cả nước bố trí vốn hỗ trợ hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu từ chỉ 300 tỷ đồng, riêng tỉnh Cà Mau có ưu tiên bố trí chỉ 12,42 tỷ đồng. Đây là con số rất hạn chế," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng, nguồn hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay./.