Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Trình bày Tờ trình dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết mục đích của việc ban hành Pháp lệnh là hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
Đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Đến nay, dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung.
[Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày]
Về bố cục, dự thảo Pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương, 21 điều. So với dự thảo mà Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra ngày 22/12/2022, có tăng thêm 4 điều; đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, chỉnh sửa, thống nhất cao các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù, nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, tính nghiêm minh của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Về hình thức xử phạt, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức)...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Về phạm vi điều chỉnh, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực này nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi. Qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 5); các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6); mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7). Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý kỹ thuật văn bản đối với khoản 1 Điều 7 để bảo đảm rõ ràng, chính xác hơn…
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật là cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc ban hành Pháp lệnh đến nay là rất cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước sắp bước sang tuổi 30 nhưng đến nay chưa có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Điều này cũng cho thấy đây là lĩnh vực khó và phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận cơ bản nội dung dự thảo Pháp lệnh được quy định tương đối tốt. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện để ban hành. Ban hành Pháp lệnh sớm ngày nào thì có ý nghĩa với hoạt động kiểm toán nhà nước ngày đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về phạm vi quy định xử phạt; làm rõ giữa xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này với xử phạt theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.
Lưu ý về tính khả thi, phù hợp của các quy định, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nên chăng quy định về phạt vi phạm đối với những vấn đề đã có quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, những nội dung cần Tổng Kiểm toán quy định cũng cần thể hiện ngay trong Pháp lệnh này để có căn cứ xử phạt. Do đó, phải rà soát nội dung nào quy định trong Pháp lệnh, nội dung nào giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định.
Cùng với đó, quy định kỹ lưỡng về mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, gắn với đó là quyền và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, của các đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan...
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Theo quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, tiếp tục làm rõ ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.