Xơ sợi Đình Vũ tăng công suất sản xuất sợi DTY lên 900 tấn mỗi tháng

Theo PVN, hiện PVTEX đã tiến hành rà soát thực tế, lên chi phí tài chính để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phục vụ công tác vận hành toàn bộ nhà máy.
Xơ sợi Đình Vũ tăng công suất sản xuất sợi DTY lên 900 tấn mỗi tháng ảnh 1Công nhân kỹ thuật xưởng Filament - NMXS Đình Vũ đứng máy sản xuất sợi DTY. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 8/5, tại Hải Phòng, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã tiến hành đưa thêm 2 dây chuyền sản xuất sợi DTY vào vận hành, nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên khoảng 900 tấn sợi/tháng.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, PVTEX đã tích cực phối hợp cùng đối tác là Liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings với Tập đoàn Reliance - Ấn Độ và Fortrec - Singapore từng bước vận hành lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

[Xem xét chuyển giao 12 dự án yếu kém sang Ủy ban quản lý vốn xử lý]

Theo báo cáo mới nhất của PVTEX, trong quý 1, nhà máy đã sản xuất ổn định và liên tục 10 dây chuyền sợi DTY, cung cấp cho thị trường trong nước và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản gần 2.000 tấn sợi DTY.

Đáng lưu ý là sản phẩm của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đạt chất lượng cao và ổn định, vượt mức kế hoạch, đồng thời chi phí sản xuất giảm đều giảm so với trước đây. Toàn bộ các dòng sản phẩm sợi DTY loại A do PVTEX sản xuất đều trong biên độ từ 96-98%.

Căn cứ trên nhu cầu thực của thị trường và đối tác đang chịu trách nhiệm kinh doanh sản phẩm sợi DTY là Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã phối hợp đưa thêm hai dây chuyền sản xuất mới vào vận hành.

"Việc đưa hai dây chuyền này không chỉ nâng công suất sản xuất sợi của nhà máy lên khoảng 20% so với trước đây mà còn khẳng định mốc phát triển mới theo đúng lộ trình hợp tác đã đặt ra giữa PVTEX và các đối tác," đại diện PVN cho hay.

Cũng theo PVN. với sự tin tưởng và hỗ trợ của khách hàng trong nước và quốc tế, việc PVTEX đã và đang làm chủ công nghệ sản xuất, áp dụng thành công các giải pháp tiết giảm chi phí, nguyên liệu đã thực sự chứng minh việc đưa Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vào vận hành thương mại là khả thi.  

Hiện nay, PVTEX vẫn đang tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, máy móc của nhà máy theo đúng quy chuẩn và hướng dẫn của nhà sản xuất chế tạo.

Bên cạnh đó, PVTEX đã tiến hành rà soát thực tế, lên chi phí tài chính để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phục vụ công tác vận hành toàn bộ nhà máy.

"Hiện các đối tác cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn nước ngoài đang tiến hành xem xét đánh giá và góp ý để sửa đổi và bổ sung hoàn thiện tiến tới thực hiện bước tiếp theo là ký kết hợp đồng chính thức và đi vào vận hành toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ," đại diện PVN nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.