Xoay sở trong không gian hẹp từ các hiệp định thương mại tự do

Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Quá trình này đã khiến không gian chính sách còn lại sau các cam kết đã ký càng trở nên hẹp
Xoay sở trong không gian hẹp từ các hiệp định thương mại tự do ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau giai đoạn (1995-2007) hội nhập theo chiều rộng, Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Quá trình trình này đã khiến không gian chính sách còn lại sau các cam kết đã ký càng trở nên hẹp hơn.


Thách thức phía trước

Đánh giá chung, ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ tác động rất lớn đối với khối doanh nghiệp, nhất là trong các ngành sản xuất nội địa như công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm.

“Khả năng vận dụng các công cụ, biện pháp như thuế quan, phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá… sẽ ngày càng hạn chế,” ông Dương nói.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thực hiện tám hiệp định có hiệu lực, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Australia và New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam-Nhật Bản,Việt Nam-Chile.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục tham gia đàm phán các hiệp định chất lượng cao hơn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan, ASEAN+6, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Khối EFTA.

Dưới những tác động của hội nhập, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ ra những khó khăn trong ngành, mặc dù sản xuất thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại hay sơn phủ màu… song cũng tồn tại hết sức vất vả trước làn sóng thép giá rẻ xâm nhập từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc .

Tương tự đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Các nhà Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cũng chỉ ra, ngành có tính đặc thù là nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu nên khó tránh khỏi tác động từ những cam kết thương mại tự do.

Ông Nam cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng, các ngành sản xuất cần sự thay đổi để phù hợp hơn với các điều kiện và hoàn cảnh, tránh tình trạng gây tác dụng ngược, không những không nâng cao được năng lực cạnh tranh mà còn tiếp tục lúng túng với những câu chuyện như được mùa mất giá, vốn là điều muôn thủa của ngành nông nghiệp.”


Loay hoay mũi nhọn kinh tế

Theo thống kê từ Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), các cam kết thương mại quốc tế (đã có) đang tạo ra các cơ hội cho ngành sản xuất trong nước, như giá hàng xuất khẩu cạnh tranh hơn, giá nguyên-nhiên, vật liệu, trang thiết bị nhập khẩu hợp lý hơn, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất (tài chính, vận tải, thông tin…) rẻ hơn đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh cũng như sự bảo hộ bản quyền sản phẩm.

Nhưng song hành cùng với đó lại là những thách thức không nhỏ, với các quy tắc xuất xứ (FTA), sức mạnh cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật-vệ sinh kiểm dịch không nhân nhượng từ các đối tác, hàng rào thuế bất định, cạnh tranh trong đầu tư và đặc biệt là bản quyền sẽ khiến máy móc thiết bị có giá cao hơn.

Thực tiễn cũng đang cho thấy, không gian chính sách cho việc áp dụng can thiệp chính sách truyền thống để bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước đang bị thu hẹp.

Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Theo đó, năng lực sản xuất trong nước đã được chú trọng, vai trò của khu vực tư nhân cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, hiện trong bối cảnh hội nhập sâu, việc Việt Nam vẫn đang loay hoay lựa chọn mũi nhọn kinh tế trong tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ… có thể khiến Việt Nam chậm nhịp thậm chí phải hứng chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Dương thẳng thắn chỉ ra những khoảng trống trong chính sách, chưa xác định rõ ràng ưu tiên cho các ngành sản xuất cụ thể (như điều phối hợp tác công-tư chưa rõ ràng, thiếu tư duy liên ngành, quá nhiều ngành ưu tiên, vai trò của sản xuất trong nước) đồng thời các nguồn lực ưu tiên không được đảm bảo…

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước dư địa giảm nhanh chóng thì việc hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm cùng với chính sách mở cửa đã tạo ra sự ưu đãi cho khu vực đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong nước.

Ngoài ra, theo ông Dương, mặc dù hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam đã thay đổi, song lại chưa cân nhắc đến thời gian và chi phí điều hành. Như sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, thân thiện với môi trường thì cần phải có chi phí đầu tư, điều này làm tăng chi phí sản xuất đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Đề xuất chiến lược phát triển dài hạn, ông Dương cho rằng Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ cho các ngành cụ thể, như phát triển công nghiệp điện tử cần có chính sách hỗ trợ đúng mức, đảm bảo thời gian tích lũy và phòng tránh rủi ro. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà làm chính sách tiếp tục tận dụng không gian chính sách hiện có bên cạnh đó cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và nông dân trước khi đưa ra những cam kết mở cửa nhiều hơn đồng thời chú trọng xây dựng các biện pháp bảo hộ tinh vi song vẫn phù hợp với các cam kết hội nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.