Xu hướng ảm đạm bao trùm thị trường vàng trong nước tuần qua

Thị trường vàng trong nước tuần qua tiếp tục diễn biến ảm đạm, các phiên giao dịch kém sôi động, tuy có khởi sắc ở phiên cuối tuần nhưng vẫn chưa đủ để tạo đột biến cho cả tuần.
Xu hướng ảm đạm bao trùm thị trường vàng trong nước tuần qua ảnh 1Khách hàng giao dịch tại công ty vàng Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thị trường vàng trong nước tuần qua tiếp tục diễn biến ảm đạm, các phiên giao dịch kém sôi động, tuy có khởi sắc ở phiên cuối tuần nhưng vẫn chưa đủ để tạo đột biến cho cả tuần.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), mức giá SJC trong phiên giao dịch 7/5 được niêm yết tại 36,60-36,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Đến phiên 11/5, giá vàng SJC được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 36,60-36,82 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính chung cả tuần, giá vàng SJC đã chỉ tăng 20.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhìn lại tuần qua, kim loại quý trong nước diễn biến giằng co với mỗi một nhịp tăng đan xen thêm nhịp giảm do chịu tác động từ giá vàng thế giới. Tuần qua ghi nhận mức giá vàng giao dịch thấp nhất là 36,55-36,63 triệu đồng/lượng (trong phiên 9/5), còn mức giá niêm yết giao dịch cao nhất là 36,70-36,78 triệu đồng/lượng rơi vào phiên 11/5.

Theo đánh giá của DOJI, diễn biến của thị trường vàng trong nước trong tuần hầu như không có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tâm lý thận trọng khi chứng kiến giá vàng hạ nhiệt rồi lại bật tăng chưa giúp nhà đầu tư cảm thấy đủ tự tin và bình tĩnh để tham gia thị trường. Xuyên suốt các phiên trong tuần, lượng khách tham gia thị trường chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ với xu hướng bán vàng ra chiếm ưu thế chủ đạo.

[Giá vàng trong nước tăng 80.000 đồng, tỷ giá trung tâm giảm mạnh]

Trên thị trường thế giới, giá vàng điều chỉnh tăng giảm do nhiều yếu tố ảnh hưởng. Theo đó, giá vàng cũng chịu ảnh hưởng nhất định sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc và khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran.

Động thái này, theo giới quan sát, sẽ làm tăng nguy cơ xung đột ở khu vực Trung Đông và tạo ra môi trường không ổn định đối với nguồn cung dầu toàn cầu. Giá vàng thường được hưởng lợi trong thời kỳ bất ổn chính trị hay kinh tế, bởi nhà đầu tư thường tìm đến các tài sản “trú ẩn an toàn” như kim loại quý này hay đồng yen Nhật.

Trong tuần qua đã có nhiều thông tin tác động ảnh hưởng đến giá vàng như cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt khi Chủ tịch Kim Jong-Un có những động thái như đóng cửa bãi thử hạt nhân, thả 3 công dân quốc tịch Mỹ và sẵn sàng đàm phán về việc giải trừ hạt nhân với Mỹ.

Chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ Daniel Hynes nhận xét giá kim loại quý này đang mắc kẹt giữa rủi ro địa chính trị gia tăng và đồng USD mạnh hơn. Nhu cầu mua vào một loại tài sản an toàn như vàng không mạnh như dự đoán.

Chốt phiên giao dịch 12/5, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,62-36,82 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI, trong phiên 13/5 niêm yết ở mức 36,68-36,76 triệu đồng/lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.