Xu hướng giảm giá tiếp tục ngự trị trên thị trường năng lượng

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm cộng với tốc độ phát triển chậm lại đáng kể của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nguyên nhân chính làm cho giá dầu tiếp tục đà sụt giảm.
Một người dân mua xăng tại một trạm xăng ở Dellwood, bang Missouri, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông báo của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, về sự tăng trưởng âm trong quý 2 cộng với tốc độ phát triển chậm lại đáng kể của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nguyên nhân chính làm cho giá dầu tại thị trường Mỹ và thế giới ngày 17/8 tiếp tục đà sụt giảm.

Số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 17/8, giá dầu thô WTI (West Intermediate Texas) của Mỹ giảm 0,63 USD, tương đương với 1,5%, xuống 41,87 USD/thùng - mức giá thấp nhất của dầu thô WTI kể từ thời điểm tháng 3/2009.

Tại thị trường London (Anh), dầu thô Brent cũng giảm giá xuống còn 48,74 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch cùng ngày, giá loại dầu thô ngọt nhẹ này có lúc thậm chí còn giảm sâu xuống mức 48,35 USD/thùng, chỉ cao hơn 3 USD so với mức thấp kỷ lục 45,19 USD/thùng hồi tháng Một. Tuần trước có thể được ghi nhận là tuần mất giá tệ hại của mặt hàng dầu thô và cũng là tuần thứ bảy liên tiếp giá dầu thô WTI của Mỹ bị sụt giảm.

Các chuyên gia cho biết thông báo của Nhật Bản về việc tăng trưởng -1,6% trong quý 2, sự phát triển chậm lại đáng kể cũng như biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp trong mấy ngày qua của Trung Quốc nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu cũng gây tâm lý lo ngại trong giới đầu tư về mặt hàng nhiên liệu sống còn này đối với mọi nền kinh tế.

Theo nhìn nhận của các thương gia, trong vài tuần tới, giá dầu thô của thị trường thế giới nhiều khả năng vẫn tiếp tục đà sụt giảm do sản lượng khai thác hàng ngày tại Mỹ dự báo sẽ tăng cộng với khả năng Iran, sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau có thể được phép trở lại thị trường xuất khẩu dầu thô, càng làm cho nguồn cung dư thừa nhiều hơn.

Trái ngược với chiều hướng sụt giảm của dầu thô, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ ngày 17/8 đồng loạt tăng giá nhẹ sau một tuần bị chao đảo. Tại thị trường chứng khoán New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty trong ngày 17/8 tăng 68 điểm, tương đương với 0,4% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt tăng 0,7% và 0,9%.

Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ tăng giá chủ yếu là do tiếp tục xuất hiện các dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có sản lượng công nghiệp trong tháng Bảy vừa qua tăng 0,6%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng, báo hiệu đà phát triển khả quan hơn của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục