Xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng Tư

Đại diện Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton cho biết, theo thống kê con số vi phạm đến từ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chiếm 10% giá trị thương mại trên toàn thế giới.
Xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng Tư ảnh 1Số vi phạm đến từ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chiếm 10% giá trị thương mại trên toàn thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trong tháng Tư trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biễn khá phức tạp. Thống kê sơ bộ đã có khoảng 1.312 vụ bị xử lý, trong đó khởi tố 5 vụ đối với 5 đối tượng do liên quan đến hàng giả.

Vẫn nóng buôn lậu hàng tiêu dùng

Ông Chu Xuân Kiên, Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội thông tin, trong tháng Tư, hoạt động buôn lậu chủ yếu ở các hàng hoá như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm...

Trong khi việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.

[Tổng cục QLTT và Moet Hennessy - Louis Vuitton ký kết chống hàng giả]

Một trong những vụ điển hình mà lực lượng lượng chức năng của Hà Nội phát hiện và xử lý trong quý 1/2019 là vụ kiểm tra xe ôtô Biển kiểm soát 88C-13719 vào ngày 19/3 do Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7, PC 03 Công an thành phố Hà Nội thực hiện.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện gần 50.000 sản phẩm quần áo, giầy dép, túi ví không có hóa đơn, chứng từ. Trong đó có gần 6.000 sản phẩm là hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidas, Burberry, Versace, LV, Dior, Gucci, Chanel …

Cũng trong ngày 19/3, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh rượu, xì gà, phụ kiện xì gà tại địa chỉ số 55 Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc Công ty cổ phần CONODO Việt Nam.

Theo văn bản của lực lượng chức năng, Công ty cổ phần CONODO Việt Nam kinh doanh xì gà do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không dán tem nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam gồm 7.059 điếu.

“Căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự, Đội Quản lý thị trường số 2 chuyển toàn bộ hồ sơ tang vật, giấy tờ tạm giữ sang công an Quận Hoàn Kiếm để điều tra làm rõ,” đại diện Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho hay.

- Kết quả kiểm tra, xử lý của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội trong tháng Tư:

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quản lý địa bàn

Không chỉ ở Việt Nam, ông Laurant Marcadier, Giám đốc bảo vệ tài sản và con người, Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton cho biết, theo thống kê con số vi phạm đến từ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chiếm 10% giá trị thương mại trên toàn thế giới.

Do vậy, đứng trước những thách thức này, các doanh nghiệp không thể một mình đơn độc chiến đấu chống lại mạng lưới phạm pháp đặc biệt trong vấn nạn hàng giả.

“Sự hợp tác chiến lược với các lực lượng chức năng của các cơ quan nhà nước, cụ thể là lực lượng Quản lý thị trường là yếu tố then chốt cho thành công này,” đại diện Tập đoàn Moet Hennessy - Louis Vuitton nói.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên cho biết, để tăng cường đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng nhấn mạnh hơn đến việc đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu và tập trung quản lý, giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng trọng điểm như: thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu, phân bón... cũng như một số hàng hoá có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng mà lực lượng liên ngành đã và đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, ông Kiên cho rằng, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như xem xét và xử lý công khai trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp, biện pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả./.

Trong tháng 4 năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã xử lý: 1.312 vụ. Trong đó: Hàng cấm, hàng lậu là 205 vụ; Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 145 vụ và Gian lận thương mại tới 962 vụ.

Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 49 tỷ 213 triệu đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.