Chiều 9/4, sau 10 ngày cả nước thực hiện Chỉ thị số 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và thảo luận các biện pháp tăng cường chấp hành nghiêm Chỉ thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Có thể ghi nhận thêm một số trường hợp tại cộng đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, về việc thực hiện cách ly và khoanh vùng các ổ dịch, đối với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, tính đến 16 giờ ngày 8/4, cơ quan chức năng đã thực hiện 9.090 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.756 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố (18/22 mẫu dương tính từ công ty Trường Sinh).
Đối với ổ dịch ở quán Bar Buddha, có 18 ca nhiễm có liên quan, đã tiến hành rà soát, quản lý 2.400 trường hợp, cách ly theo dõi 222 trường hợp, lấy 196 mẫu xét nghiệm.
[Việt Nam kiểm soát dịch thành công nhờ hành động sớm và kiên quyết]
Đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, hiện có 2 ca nhiễm, cơ quan chức năng đã khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người (2.711 hộ dân), đã lấy mẫu làm xét nghiệm 270 người trong số 316 người (là F1 của cả 2 bệnh nhân), kết quả 269 mẫu âm tính.
Đối với ổ dịch tại Hà Nam, đã lấy mẫu 140 người tiếp xúc gần (gồm bệnh nhân cùng phòng, cùng phòng đã ra viện, cán bộ y tế), hiện đã có kết quả âm tính với 99 mẫu, số còn lại đang chờ kết quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đang tiếp tục điều tra các trường hợp F1, F2.
Ban Chỉ đạo dự báo, trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm một số trường hợp tại cộng đồng liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp (như bệnh nhân số 183, 237 và 243) và một số ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia không nên dỡ bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19 quá sớm nhằm tránh dịch bệnh tái bùng phát trở lại.
Chủ động sản xuất máy thở
Về trang thiết bị y tế, tổng hợp của Ban Chỉ đạo cũng cho thấy cả nước hiện có khoảng 5.932 máy thở xâm nhập và không xâm nhập đang hoạt động tại các cơ sở y tế.
Từ khi có dịch đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã mua dự phòng cho phòng chống dịch hoặc được tài trợ khoảng 485 máy thở. Như vậy, cả nước hiện có khoảng 6.417 chiếc.
Bộ Y tế đã làm việc với 2 công ty sản xuất máy trợ thở cho bệnh nhân nhi/sơ sinh có thể nâng cấp sản xuất máy trợ thở cho người lớn và làm việc với đại diện của tập đoàn Vingroup (Vinfast) để trao đổi về phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.
Tập đoàn Vingroup dự kiến sản xuất 2 loại máy thở gồm: Máy thở không xâm nhập (dự kiến bắt đầu sản xuất từ 20/4, sản lượng giai đoạn đầu là khoảng 5.000 máy) và máy thở xâm nhập (dự kiến nửa đầu tháng 5/2020 bắt đầu sản xuất, sản lượng giai đoạn đầu khoảng 500 máy). Năng lực sản xuất tối đa là 47.000 máy/tháng với điều kiện nguồn cung linh kiện đầu vào có sẵn và đầy đủ.
Hiện có trên 70 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất dự kiến 5.720.000 chiếc/ngày và 40.000 chiếc khẩu trang N95 hoặc tương đương/ngày.
Tuy nhiên, các đơn vị đang khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất do giá tăng cao và khan hiếm xảy ra trên phạm vi toàn cầu (nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế bao gồm vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun, thanh mũi), trong đó nguyên liệu vải không dệt, thanh mũi trong nước đã sản xuất được.
Đối với màng lọc kháng khuẩn (nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế), Bộ Y tế đã cho phép sử dụng vải SMS thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện có 40 doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn với tổng năng lực sản xuất ở mức 7 triệu chiếc/ngày. Các doanh nghiệp đã sản xuất 30 triệu chiếc, trong đó đã xuất khẩu được 7 triệu chiếc.
"Không được lơ là, mất cảnh giác"
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình hình chung của thế giới với khoảng 4 tỷ người đang thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Nhiều quốc gia có những biện pháp nghiêm ngặt để xử lý các hành vi vi phạm.
Thủ tướng nhận xét thời gian qua, do thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16 nên đã đem lại những kết quả ban đầu, kiểm soát tốt tốc độ lây lan nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhiều do đó quan điểm là “không được lơ là, mất cảnh giác” mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 bởi “nỗi lo vẫn còn đó.”
“Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm,” Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “không lơ là mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh COVID-19.”
Định hướng các giải pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh việc kiên định đường lối “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” theo từng thời điểm; có thể thay đổi phương thức ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến.”
Về ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát chặt khu vực biên giới; hạn chế, không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ trường hợp bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa; tiếp tục khuyến cáo công dân các nước không về nước trước ngày 15/4.
Đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ công dân phù hợp. Bộ Y tế tăng cường các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Các địa phương cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với những biện pháp mạnh mẽ. Đảm bảo huyết mạch hàng hóa lưu thông thông suốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ con người.
Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Công an xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly toàn xã hội như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đứng cách xa người khác trong phạm vi 2m, ra đường trong trường hợp không cần thiết...
Thủ tướng cho biết thời điểm hết cách ly toàn xã hội sẽ thông báo sau trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực tế của các bộ, ngành liên quan sau ngày 15/4.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần nghiên cứu, rút ra những bài học thành công trong giai đoạn 1; lực lượng Quân đội và các địa phương chuẩn bị sẵn các địa điểm tiến hành cách ly, kịch bản điều hành khu cách ly; tiếp tục huấn luyện cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn để tránh bị động khi tình huống xảy ra.
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly cho các đối tượng khác nhau một cách phù hợp dưới sự giám sát chặt chẽ về y tế. Chú ý đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn khu cách ly sẵn sàng phục vụ tiếp nhận những đối tượng cách ly khác.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch. Khuyến nghị người dân tăng cường tự khai báo y tế. Các cấp, đặc biệt là ngành y tế tiếp tục phát hiện ca bệnh, tăng cường năng lực xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ với chiến lược phù hợp; không chủ quan trong phán đoán mà cần phát hiện ngay trong cộng đồng để dập dịch kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu phác đồ điều trị mới nhất, hiệu quả nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn cho các tuyến; tập huấn sử dụng máy thở; đảm bảo đầy đủ thuốc men; phòng ngừa dịch xảy ra trên diện rộng; trước mắt tạm dừng xuất khẩu thuốc điều trị COVID-19; có cơ số nhập khẩu cần thiết dược phẩm chuyên sâu để phục vụ công tác điều trị.
Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế; chú trọng hơn nữa việc phòng ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai; bảo vệ sức khỏe đội ngũ làm nhiệm vụ “trực tiếp chiến đấu” này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị dụng cụ y tế, coi đây là thời cơ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất này; kể cả sản xuất máy thở một cách chủ động hơn sao hình thành một ngành sản xuất máy thở tại Việt Nam bên cạnh sinh phẩm chẩn đoán bệnh. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế về sản xuất trang thiết bị y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cơ bản, chuyên sâu, sản xuất các loại sinh phẩm chẩn đoán, nghiên cứu trong sản xuất các trang thiết bị y tế khác, nghiên cứu ứng dụng trong điều trị...; tích cực hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh, quản lý, điều hành và phát triển kinh tế số bởi đây chính là thời cơ để phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chính phủ biểu dương lực lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã chung tay, chung sức hỗ trợ người dân trong phòng, giảm chi phí lớn cho Nhà nước./.