Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo là những nhiệm vụ không thể tách rời trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ở chặng cuối của lộ trình “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ", hai mảng tối này đang “sáng” dần lên.
Nợ xấu đang “đẹp” lên
Bằng nỗ lực và giải pháp của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, một khối lượng lớn nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện.
Theo số liệu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, từ năm 2012 đến hết tháng Tám, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 424.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương hơn 91% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức cao ở những năm trước về mức trên 3% tháng Tám. Dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm nay sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả. Kết quả đạt được đến nay cũng ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
“Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn đã chỉ rõ, nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi tổ chức tín dụng, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được," Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Còn theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, để xử lý dứt điểm nợ xấu trong năm nay thì Ngân hàng Nhà nước nói riêng, Chính phủ nói chung cần nỗ lực sử dụng hệ thống các công cụ đã được hình thành trong hơn hai năm qua, đặc biệt là hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bên cạnh việc tăng tiềm lực tài chính cho VAMC thông qua tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, trọng tâm năm nay là tạo dựng và vận hành thị trường mua bán nợ thứ cấp với trung tâm là VAMC đi đôi với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, xác định rõ trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu.
Nợ xấu có thể được xử lý dứt điểm ngay trong năm nay hay không còn phụ thuộc vào sự phối kết hợp giữa xử lý nợ xấu với kết quả cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là xử lý các nghĩa vụ nợ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trước, trong và sau quá trình đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định, quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại nên ngoài việc tăng cường thanh tra giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì cần kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo và cho vay doanh nghiệp “sân sau” của các tổ chức tín dụng.
Xử lý sở hữu chéo đã có tiến bộ ban đầu
Sở hữu chéo có thể hiểu một cách nôm na là hiện tượng doanh nghiệp này nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp khác. Mối quan hệ này sẽ trở nên không kiểm soát được khi mỗi doanh nghiệp lại đầu tư tiếp vào các doanh nghiệp con khác. Do đó, xử lý sở hữu chéo từng được các chuyên gia đánh giá là vấn đề nổi cộm và nan giải của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo nhìn nhận của tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống ngân hàng đã có tiến bộ ban đầu khi áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với hệ thống quốc tế.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng nhận định tiến trình thực hiện tái cơ cấu một cách quyết liệt đã giúp cho tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản gần như chấm dứt. Việc thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm loại trừ tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng thông qua việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng có cùng chủ sở hữu trên tinh thần tự nguyện đã giúp cho số lượng ngân hàng thương mại giảm đáng kể.
Đặc biệt là thông qua tiến trình hợp nhất, sáp nhập hay Ngân hàng Nhà nước mua lại, chất lượng quản trị điều hành của các ngân hàng được sáp nhập, mua lại cũng đã được nâng cao đáng kể do được các ngân hàng thương mại lớn hỗ trợ về nhân sự và tài chính, giúp cho tình hình hoạt động cũng như tình hình tài chính của nhóm ngân hàng này trở nên vững vàng hơn.
“Có thể nói, việc quyết liệt thực hiện loại bỏ sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng là bước đi rất chính xác nhằm tạo nên công cụ đắc lực cho việc xử lý nợ xấu," ông Trương Văn Phước nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng nhận định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng; sáp nhập, hợp nhất, mua lại diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép./.
Bài 1: Ngành ngân hàng và những cuộc mua lại "nhà băng" giá 0 đồng
Bài 2: Ngân hàng sang trang mới: Hợp nhất, sáp nhập tạo quy mô lớn
Bài 4: Ngân hàng sang trang mới: Cuộc “lột xác” toàn diện