Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều trụ sở, tài sản công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn chưa được xử lý.
Trong khi chờ giải quyết, khối lượng tài sản lớn của Nhà nước đang có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng.
Lãng phí tài sản sau sáp nhập
Chứng kiến nhiều tài sản, trụ sở làm việc sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bị bỏ hoang tại huyện Hạ Hòa, nhiều người dân không khỏi xót xa. Sau hơn một năm sáp nhập, số tài sản, trụ sở này vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trụ sở xã Quân Khê cũ được đầu tư vài năm gần đây, chỉ sau hơn một năm để hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Theo phương án sau sáp nhập, nơi đây được sử dụng làm điểm tiếp nhận và trả kết quả của xã mới. Tuy nhiên, do không thuận tiện, phương án này không triển khai. Hiện nay, địa phương vẫn phải thuê nhân công trông coi và vệ sinh.
Trụ sở xã Động Lâm cũ cũng trong cảnh tương tự. Để tránh lãnh phí, địa phương đã cho cơ sở may mặc trên địa bàn thuê lại một phần trụ sở để hoạt động.
Ông Lê Văn Tạo, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, ba xã Quân Khê, Động Lâm và Hiền Lương sáp nhập thành một, lấy tên mới là Hiền Lương. Sau khi sáp nhập, xã Hiền Lương quản lý hai trụ sở xã cũ, tuy nhiên, hiện nay vẫn đang bỏ không và chưa có hướng xử lý.
[Chính sách đặc thù với đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sáp nhập]
Theo ông Tạo, sau khi sáp nhập, số cán bộ, công chức của xã tăng gấp 3 lần dẫn đến quá tải. Các phòng chức năng, phòng họp chật hẹp gây khó khăn cho cán bộ, công chức khi làm việc. Xã đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân huyện Hạ Hòa cho mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm các phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu công việc.
Hạ Hòa là một trong những huyện có số xã sáp nhập lớn nhất tỉnh Phú Thọ với 33 xã. Sau khi sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện giảm xuống còn 20 xã, đồng nghĩa với dư thừa 13 trụ sở xã cũ.
Theo phương án sử dụng, tất cả trụ sở các xã cũ sau sáp nhập được bố trí làm điểm tiếp nhập và trả kết quả của Ủy ban Nhân dân xã mới. Tuy nhiên, do không thuận lợi, hầu hết các trụ sở cũ đều bỏ không. Một số xã sử dụng hội trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Một số xã tận dụng sở sở vật chất cho doanh nghiệp thuê lại.
Bà Vương Thị Bẩy, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ cho biết ngay sau khi đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã triển khai, Sở đã có văn bản hướng dẫn về công tác kiểm kê và bàn giao lĩnh vực tài sản tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương có cơ sở vật chất dôi dư sau khi sáp nhập, trên cơ sở lấy ý kiến của người dân, cần nghiên cứu phương án giải quyết phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, sau hơn một năm sáp nhập, đến nay vẫn chưa có phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng tại các địa phương gửi lên Sở để thẩm định.
Hướng xử lý tài sản công sau khi sáp nhập
Triển khai Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 32 của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị (bằng 18,77%) so với trước khi sắp xếp, dư thừa 52 trụ sở xã cũ.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra hiện trạng, tổng hợp, xây dựng phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất tại một số cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu theo quy định, tiến độ triển khai còn chậm. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công chưa kịp thời.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, đồng thời thực hiện chỉ đạo về xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 12/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành, thị phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành.
Các huyện, thị, thành khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất là trụ sở các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa khu dân cư dôi dư sau sắp xếp. Đối với cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa khu dân cư cần tổ chức lấy ý kiến, thống nhất với người dân địa phương về phương án sắp xếp.
Đặc biệt lưu ý việc xây dựng phương án phải đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu về trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, nhu cầu công trình phục vụ cộng đồng, trường hợp dôi dư không còn nhu cầu sử dụng mới xem xét hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ủy ban Nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ yêu cầu, các địa phương, đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Sở Y tế căn cứ Đề án sắp xếp các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà, đất, cơ sơ vật chất của các trạm y tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành, thị tiếp tục rà soát cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý để thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định, trong đó khẩn trương xây dựng phương án đối với những cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, tránh lãng phí, quản lý sử dụng không hiệu quả đối với tài sản.
Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo quy định; phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.