Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan phải kiên quyết xử lý việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vì tính mạng của người dân; xử lý nghiêm khắc nhất, ở mức hình phạt cao nhất.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phát động trong nhân dân, ký kết giữa các hộ đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng để không kinh doanh, sử dụng các chất này.
Cùng với chỉ đạo trên, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) diễn ra ngày 11/12 ở Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng vấn đề hàng lậu, hàng nhái là vấn đề toàn cầu, nhưng phải nhận thức rằng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn, phải làm hiệu quả hơn, ngăn chặn tối đa, không những bảo vệ giống nòi, sức khỏe của người dân mà còn bảo vệ hình ảnh của đất nước Việt Nam.
Nhận định về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2015, Phó Thủ tướng khẳng định thành viên Ban chỉ đạo đã vào cuộc quyết liệt và đã đạt kết quả hết sức tích cực, công khai hóa tốt hơn. Trong chỉ đạo đã thể hiện sự điều hành mạnh mẽ, quyết liệt, công tác phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn, phân rõ trách nhiệm, nhờ đó buôn lậu, gian lận thương mại đã có bước được ngăn chặn, đẩy lùi, nhiều vấn đề đã đưa ra chủ trương và xử lý đến cùng, minh bạch, không có vùng cấm. Một số ngành cức năng đã xử lý một loạt cán bộ có sai phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như còn tình trạng nể nang, bao che, nhất là xử lý cán bộ công chức có liên quan đến công tác này. Việc xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại còn kéo dài, gây dư luận xấu, xử lý hình sự tuy có cố gắng nhưng còn ít, công tác giám định tư pháp chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn bất cập sơ hở. Mặt hàng giả, kém chất lượng còn nhiều, ma túy buôn lậu qua biên giới còn xảy ra.
Nêu rõ chống buôn lậu được là do lực lượng nghiêm túc, trong sạch, không bảo kê, không bao che, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng tập trung chống đầu nậu, chống kẻ cầm đầu, trang bị phương tiện, điều kiện cho lực lượng để ngăn chặn hành vi tinh vi trong buôn lậu; phát động rộng rãi trong nhân dân không kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Vì sức khỏe của giống nòi, vì tính mạng của người dân, những hành vi xấu, gian dối như chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, bơm nước vào thực phẩm cho nặng cân… phải được người tiêu dùng lên án mạnh mẽ hơn.
Từng Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhất là những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu phức tạp để xử lý đồng bộ, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, thực hiện tốt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết nguyên đán tới đây đồng thời, hoàn thiện thể chế, nâng một số chế tài xử lý mạnh mẽ hơn, tăng cường hơn nữa lực lượng chuyên sâu, thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ, công khai minh bạch ở mọi cơ quan đơn vị.
Các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu nội dung về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, ngăn chặn trước khi vi phạm, không để ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước Việt Nam; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh trúng, đánh liên tục vào đầu nậu, hệ thống tiêu thụ hàng lậu, hàng giả.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho thấy, năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến khá phức tạp, có nhiều diễn biến mới.
Tính đến giữa tháng 11/2015, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm (tăng 6,47 % so với cùng kỳ năm 2014). Số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ đồng, khởi tố 1.123 vụ/1.281 đối tượng.
Trong số này, lực lượng Hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 19.360 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 1.746 tỷ đồng; khởi tố 27 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 87 vụ. Lực lượng Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 60.000 doanh nghiệp; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 9.000 tỷ đồng.
Lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ hơn 9.000 vụ việc; thu nộp ngân sách 117,8 tỷ đồng; khởi tố hình sự 395 vụ/546 bị can. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 2.295 vụ việc vi phạm; khởi tố 643 vụ/735 đối tượng…
Trong đó, có nhiều vụ việc điển hình như vụ buôn lậu 31,6 kg cocain vận chuyển trái phép từ Nam Mỹ vào Việt Nam qua đường biển Thành phố Hồ Chí Minh và đường hàng không của Hà Nội, vụ vận chuyển trái phép 94 khẩu súng ngắn quân sự, 472 hộp tiếp đạn, 21 chi tiết là bộ phận phụ trợ của vũ khí quân sự, 84 áo rằn ri, 43 quần rằn ri là quân trang quân phục của quân đội Mỹ qua đường hàng không Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ buôn lậu 142kg sừng tê giác, 4 tấn vẩy tê tê và khoảng 3,8 tấn ngà voi qua đường biển khu vực Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đáng chú ý là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại.
Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam là tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu. Tại các cảng biển quốc tế là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng.
Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung cho biết có địa phương tình hình buôn lậu lắng xuống là do các đối tượng buôn lậu thay đổi thủ đoạn, chuyển địa bàn hoạt động. Nếu không làm tốt công tác chống buôn lậu, không những tác động ảnh hưởng trực tiếp với đất nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân với đảng, nhà nước, đặc biệt là lực lượng chức năng, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh, trước hết là an ninh lương thực, sức khỏe của nhân dân.
Theo Thứ trưởng này, cần phát huy cao nhất trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển ma túy trái phép, không chứa chấp hàng lậu, hàng giả. Chính phủ xem xét phát động để chống buôn lậu, hàng giả trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, nâng cao ý thức của người dân, người dân tự nguyện cùng tham gia.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, chứng minh yếu tố chống vận chuyển hàng lậu qua biên giới là hết sức khó khăn bởi vào đến nội địa là hàng lậu đã hợp thức hóa, việc giám định, xác định giá trị vật chứng cũng rất khó, giám định tư pháp mất nhiều thời gian, tốn kém.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết: Năm 2016, cơ quan phòng chống tội phạm về buôn lậu của Bộ Công an sẽ được tăng cường, kiện toàn cơ quan cảnh sát môi trường, tổ chức lực lượng từ trung ương đến địa phương để chống buôn lậu. Bộ cũng tăng cường chỉ đạo các chuyên án, từ biên giới đến nội địa.
Cũng như nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần có giải pháp đồng bộ hơn, tổng thể hơn, hàng hóa sản xuất trong nước phải tốt để hàng lậu không chen chân vào được, căn cơ là phải thúc đẩy sản xuất trong nước./.