40 tuổi vẫn "nặng nợ" với trẻ
- Nhiều năm nay, nhóm nghệ sỹ Xuân Bắc và Tự Long đã trở thành những người bạn của các em nhỏ. Sâu khấu nghệ thuật nhân dịp 1/6 chưa bao giờ thiếu vắng các anh. Theo anh nói, năm nay thay vì những chương trình tạp kỹ, các anh sẽ mang đến một vở kịch hẳn hoi, dài hơn một giờ đồng hồ. Sự thay đổi này đến từ nhu cầu của khán giả nhỏ tuổi hay tự thân muốn “nâng cấp” của hai anh?
Nghệ sỹ Xuân Bắc: Đều không phải. Lý do sâu xa nhất là do chúng tôi “nặng nợ” với trẻ em. Tôi và Tự Long bên nhau hơn 20 năm nay nay rồi, năm nào cũng vậy, có hai chương trình chúng tôi phải trăn trở và băn khoăn là Táo quân và Tết thiếu nhi. Đứng về hiệu ứng xã hội, chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm đưa đến cho các em món ăn tinh thần đúng nghĩa. Đứng về góc độ nghệ sỹ và những bậc làm cha làm mẹ chúng tôi có đam mê với các con.
Bạn nghĩ đi, từ năm 20 tuổi chúng tôi đã đứng trên sân khấu đóng vai trẻ con và giờ khi đã hơn 40 tuổi, chúng tôi vẫn làm công việc này. Xuân Bắc và Tự Long bây giờ chỉ cần ngày chạy vài show diễn tiểu phẩm 15 phút cho sự kiện thôi đã sống ổn, hoặc cứ làm tạp kỹ ngon, bổ, rẻ. Nếu không vì say mê các con, trăn trở muốn mang đến món ăn tinh thần tử tế cho các con từ để các con yêu kịch, yêu nghệ thuật ngay từ bé thì vì cái gì?
- Hướng đến làm nghệ thuật tử tế, định hướng cho các em nhỏ ngay từ bé nhưng tại sao các anh không đào sâu trong bể nguồn dân gian Việt Nam mà lại mượn tứ “bảy viên ngọc rồng” - truyện tranh mà theo tôi biết cũng không phải mạnh về giáo dục cho lắm?
Nghệ sỹ Xuân Bắc: Trẻ con mà, dù ở thời nào, nước nào thì cũng đều đáng yêu, hồn nhiên, trong sáng giống nhau. Các bé trai thì bao giờ cũng mơ ước mình trở thành anh hùng, siêu nhân giải cứu thế giới. Thế giới các bé gái sẽ là công chúa, búp bê. Chính vì thế, những câu chuyện cổ tích hàng nghìn năm nay không bao giờ cũ.
Nhưng cần nói rõ, vở kịch “Ngọc rồng” lần này được chúng tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện “Bảy viên ngọc rồng” là để sáng tạo ra câu chuyện hoàn toàn khác, gần gũi với các con. Ví dụ trong vở kịch của chúng tôi, nếu con muốn có võ công thì các con phải đánh răng đúng giờ, đi ngủ đúng giờ, chăm học.
Những thông điệp chúng tôi đưa ra cho các con chính là sống bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất, như bảo vệ người thân, gia đình. Các con phải xây dựng tình cảm trong sáng để giúp đỡ nhau trong học tập. Những lời cuối cùng của vở kịch, trong các con luôn có những viên ngọc sáng nhất và bí quyết để rồng thiêng phát sáng chính là sự cố gắng học tập của các con.
Chọn chó, khỉ thay vì Xuân Bắc, Tự Long
- Theo anh, giá vé 300.000 đồng cho mỗi em nhỏ xem một vở kịch trong 1 giờ đồng hồ có đắt không? Liệu con số ấy có trở nên quá cạnh tranh với các loại hình giải trí dành cho trẻ em như hiện nay như xem phim, khu vui chơi, trung tâm thương mại….?
Nghệ sỹ Xuân Bắc: Cảm ơn bạn đã hỏi đúng điều nhức nhối trong lòng tôi. Nhiều lúc tôi rất tủi. Tại làm sao mà nhiều lần trong năm các bậc cha mẹ vẫn bỏ khoảng 3 triệu đồng để mua vé xem một đêm ca nhạc. Họ rạo rực áo xiêm lộng lẫy như đi trẩy hội nhưng bỏ 300.000 đồng mua vé cho con đi xem kịch thì lại thấy tiếc lắm ấy.
Hay như chuyện có thật 100% nhé! Một dịp, cũng độ 1/6, tôi gặp hai mẹ con nọ khi dừng đèn đỏ, tay đứa trẻ nắm chặt mấy tờ rơi chương trình có Xuân Bắc và Tự Long. Người mẹ nói, hay con xem xiếc nhé, giá rẻ hơn mà lại có chó, có khỉ đấy. Đứa bé, nghĩ một lúc, đáp “Thôi, con chọn xem chó và khỉ vậy.” Thế có chán không?
Tại sao tôi vẫn trăn trở làm những chương trình như thế này, bởi sau hơn hai mươi năm làm nghề sân khấu, lăn lộn phủ sóng truyền hình cũng là để nuôi đam mê sân khấu, tôi hiểu rằng, để dần xây dựng một lứa khán giả yêu thích kịch phải bắt nguồn từ bé. Tôi thề luôn, ngay ở Hà Nội này có những người 30 năm chưa từng đến sân khấu để xem kịch.
Tôi nói nhé, dù các con không đòi hỏi được đi xem, thì sự do dự đó cũng là lỗi của chúng ta. Cuộc sống hiện đại, các bậc cha mẹ càng trở nên coi thường và xem nhẹ việc định hướng nhu cầu giải trí và thưởng thức món ăn tinh thần của con trẻ.
Thậm chí, rất nhiều năm trước chúng tôi thấy rằng nhiều bố mẹ chỉ đưa con đến, mua vé cho con xem một mình, còn họ tranh thủ ra ngoài càphê, lai rai bạn bè. Các con xem xong thì họ đến đón về, thế sân khấu khác nào nhà trông trẻ đâu.
Nếu từ nhỏ, các bậc cha mẹ định hướng và cho con thưởng thức những chương trình được dàn dựng chỉn chu, ở những sân khấu chuyên nghiệp thì sẽ giúp các con nhận thức đúng đắn về cái đẹp. Con người mà, nghèo đói về nghệ thuật thì chẳng khác gì sống thời kỳ đồ đá.
1/6, con tôi đi diễn cùng bố
- Nói thì là vậy, nhưng với một người bận rộn như anh, những ngày dành cho con, anh phải đi chiều những đứa trẻ con nhà người khác. Vậy trong ngày Tết thiếu nhi, con của Xuân Bắc xem gì hay đang ở trong những “nhà trông trẻ?”
Nghệ sỹ Xuân Bắc: Quan điểm của tôi là với những ông bố tử tế thì thời gian dành cho gia đình và những đứa trẻ bao giờ cũng thiếu. Con của Xuân Bắc không được như con người khác vì đặc thù công việc của bố. Nhưng điều đó cũng chưa hẳn là đã thiệt thòi.
Tôi giáo dục con mình như thế này, những ngày 1/6 thay vì được bố đưa đi chơi, xem các chương trình hay dành cho thiếu nhi con đã có mẹ. Nhưng ngược lại, khi con là con của bố thì con được những điều không phải con nhà nào cũng được.
Ví dụ, là con của bố Xuân Bắc, con được biểu diễn trên sân khấu, biểu diễn cùng với bố. Hoặc có những ưu ái trong cuộc đời, như lúc bố con đi mua đồ được giảm giá… Những lúc ấy, tôi luôn bảo con được thế vì bố là người tốt, chứ không phải do bố nổi tiếng.
Có lần bố con tôi đi chơi, chẳng may chạm vạch bị công an tuýt còi. Thấy tôi, anh công an tốt bụng đã cho đi. Trên xe tôi hỏi con, có biết vì sao được công an cho đi. Đứa bé nói, vì bố không cố tình. Đứa lớn nói thêm, vì bố là người tốt (cười).
Dù bận đến mấy, dù tất cả thời gian Xuân Bắc phục vụ khán giả, thì các con của tôi vẫn được nhận đầy dủ tình thương của bố. Dù yêu trẻ em như thế nào, con tôi vẫn là nhất. Những khi tôi ở nhà, đó thực sự là ngày hội.
- Nếu xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế” sẽ thấy Xuân Bắc rất nghiêm với con và con trai anh rất hồn nhiên, dí dỏm. Ít khi thấy Xuân Bắc chia sẻ bí quyết nuôi con, chuyện gia đình, vậy trong kịch thì sao?
Nghệ sỹ Xuân Bắc: Tôi nghĩ là ai nuôi con cũng vậy, sẽ hoàn toàn thất bại nếu áp dụng một quy chuẩn nào đấy. Nuôi dạy con là ứng xử văn hóa, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện và tâm sinh lý của trẻ nữa. Thậm chí, dù nhìn nhận có giống nhau, quan điểm giống nhau thì hành động của chúng ta vẫn khác nhau với từng em nhỏ.
Với cá nhân tôi, bí quyết để tiếp cận trẻ em không cách nào tốt hơn là đứng ở cương vị trẻ em. Chúng ta phải tạm quên cái thằng người lớn trong mình, hãy ngây thơ như các con. Bên cạnh đó, tôi đúng là người rất nghiêm khắc với con./.