Xuất hiện tình trạng lừa đảo năng lượng tại Cộng hòa Séc

Một số đối tượng tiếp cận và đe doạ khách hàng sẽ không nhận được hỗ trợ của nhà nước nếu không ký vào tài liệu nhưng thực chất đây là hợp đồng với nhà cung cấp khác kèm điều khoản bất lợi.
Xuất hiện tình trạng lừa đảo năng lượng tại Cộng hòa Séc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông Cộng hòa Séc đang cảnh báo tình trạng “lừa đảo năng lượng” liên quan tới việc áp giá trần đối với điện và khí đốt tại nước này, khi các đối tượng lợi dụng chính sách giá trần để lừa khách hàng ký hợp đồng mới bất lợi, thậm chí kèm theo đe doạ cắt nguồn cung.

Trong năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy giá điện và khí đốt tăng cao khiến Chính phủ Séc phải thông qua chính sách áp giá trần. Theo đó, giá điện được quy định cao nhất 6 CZK/kWh (6.000 VND/kWh) đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), còn giá khí đốt được quy định cao nhất 3 CZK/kWh (3.000 VND/kWh). Mức giá trần này chưa bao gồm chi phí phân phối, bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2023 đối với các hộ gia đình, công ty và tổ chức công cộng. Tất cả khách hàng đều được hưởng lợi từ chính sách nên không cần phải xin hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, chính sách này đang bị một số đối tượng, theo cách gọi của hãng tin CTK của Séc là “doanh nhân lừa đảo," lợi dụng. Họ tìm cách tiếp cận khách hàng, đe doạ khách hàng sẽ không nhận được hỗ trợ của nhà nước nếu không ký vào các tài liệu được cung cấp. Thực chất, khách hàng bị lừa ký hợp đồng với một nhà cung cấp mới kèm những điều khoản bất lợi hơn.

Công ty năng lượng hàng đầu của Séc là CEZ cảnh báo một số đối tượng lừa đảo giả làm nhân viên của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên công ty này.

[Công ty năng lượng Séc kiện Gazprom vì giảm lượng khí đốt cung cấp]

Giám đốc điều hành CEZ Sales, ông Tomas Kadlec, cho biết trong những tuần gần đây, công ty của ông đã nhận được cảnh báo từ phía khách hàng về sự gia tăng hoạt động “lừa đảo năng lượng” tận nhà.

Các đối tượng chủ yếu nhắm vào khách hàng là người cao tuổi. Theo ông Kadlec, dấu hiệu điển hình nhất của các đối tượng “lừa đảo năng lượng” là buộc khách hàng ký hợp đồng càng nhanh càng tốt mà không có thời gian đọc kỹ. Do đó, khách hàng được khuyên nên xác minh danh tính của nhân viên thông qua đường dây hỗ trợ của công ty.

Trong khi đó, Văn phòng Điều tiết Năng lượng (ERU) của Séc cho biết đã phát hiện các hành vi trái pháp luật của một số nhà cung cấp năng lượng. Một số công ty năng lượng đe doạ người tiêu dùng sẽ cắt nguồn cung điện hoặc khí đốt nếu không trả một khoản tiền đặt cọc. ERU khẳng định thủ tục này có thể vi phạm pháp luật và cảnh báo chỉ được đưa ra khi người tiêu dùng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Bộ Tài chính Séc ước tính ngân sách nhà nước cần chi khoảng 130 tỷ CZK (5,9 tỷ USD) để thực hiện biện pháp áp giá trần năng lượng trong năm 2023. Khoản chi này có thể được trang trải từ nguồn thu từ các công ty nhà nước, thuế lợi nhuận bất thường mới được đề xuất và mua bán tín chỉ phát thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.