Xuất hiện yếu tố đe doạ an toàn nợ công và an ninh tài chính

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dư nợ công đã tăng từ mức 50% GDP năm 2011 lên 60,3% cuối năm nay và dự kiến tới 31/12/2015 sẽ ở mức 64% GDP.
Xuất hiện yếu tố đe doạ an toàn nợ công và an ninh tài chính ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Các chỉ số nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng đã tạo sức ép lớn trong việc bố trí nguồn trả nợ và xuất hiện yếu tố đe doạ tới an toàn nợ công cũng như an ninh tài chính quốc gia.

Đưa ra thống kê tại hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách vừa tổ chức 24/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, dư nợ công đã tăng từ mức 50% GDP năm 2011 lên 60,3% cuối năm nay.

Đánh giá về con số này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, cơ cấu nợ đang không thật sự bền vững, áp lực huy động vốn tăng lớn trong khi vẫn còn tình trạng sử dụng vốn vay dàn trải, hiệu quả thấp.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn tới con số cao trên còn bởi một số dự án hiện không trả được nợ làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Với tình hình trên, đại diện ngành tài chính cho rằng, dự kiến tới 31/12/2015, dư nợ công sẽ ở mức 64% GDP.

Con số này mặc dù vẫn dưới ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội cho phép song đã tạo sức ép lớn lên nguồn trả nợ trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Chính Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhận định nhiệm vụ huy động vốn trong năm 2015 là "rất nặng nề" khi phải tăng khoảng 40.000 tỷ đồng so với năm nay.

Cụ thể, mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu năm sau theo lãnh đạo Bộ Tài chính là 85.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản huy động cho bù đắp bội chi là 226.000 tỷ đồng và đảo nợ 130.000 tỷ đồng cũng là kế hoạch mà ngành tài chính nhắm tới trong năm sau.

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh kế hoạch rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả trong năm tới. Cơ quan chức năng cũng tính toán với kiểm soát chặt các khoản nợ của chính quyền địa phương, các khoản vay về cho vay lại để giảm thiểu phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.