Xuất khẩu càphê của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục mới

Dự báo sản lượng càphê năm nay giảm 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên từ nay đến cuối năm, xuất khẩu càphê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.
Xuất khẩu càphê của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục mới ảnh 1Việt Nam hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Gần đây, giá càphê trong nước liên tục tăng cùng giá càphê thế giới.

Với dự báo El Nino xuất hiện trong quý 3 năm 2023 sẽ tác động đến sản lượng càphê tại Việt Nam và Indonesia, cùng với nguồn cung của nhiều nước sản xuất càphê hàng đầu thế giới ở mức thấp, giá càphê sẽ còn khởi sắc, xuất khẩu càphê có thể vượt kỷ lục 4 tỷ USD của năm 2022.

Giá càphê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh trong tuần vừa qua và đạt mức kỷ lục trong 3 tháng gần đây.

Giá càphê trong nước ngày 7/6 dao động từ 61.200-61.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với hôm trước. Cụ thể, giá càphê nhân xô (càphê nhân, càphê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng, ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, càphê được thu mua với giá từ 61.100-61.200 đồng/kg.

Giá càphê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 61.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, càphê được thu mua với giá cao 61.800 đồng/kg.

Giá càphê tại tỉnh Đắk Lắk, ở huyện Cư M'gar giá càphê hiện ở mức 61.600 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 61.700 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, giá càphê Robusta bình quân trong tuần qua đạt 60.933 đồng/kg, tăng 0,68% so với tuần trước và tăng 43,60% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Lâm Đồng, giá càphê Robusta tăng 0,47% so với tuần trước, lên mức bình quân 60.400 đồng/kg và tăng 44,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng Trung Nguyên Legend, càphê Robusta Buôn Ma Thuột đi khắp toàn cầu]

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu càphê tháng 5 ước đạt 165.000 tấn với giá trị đạt 396 triệu USD, đưa tổng khối lượng với giá trị xuất khẩu càphê 5 tháng đầu năm 2023 đạt 882.000 tấn với 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự tăng trưởng những tháng đầu năm, giới quan sát nhận định, kỷ lục về giá trị càphê xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2022 có sẽ bị phá vỡ.

Trong tháng 5/2023, giá càphê thế giới biến động tăng mạnh do nguồn cung Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu ở mức thấp. Giá càphê Robusta giao tháng 7/2023 tại thị trường London (Anh) tăng 148 USD/tấn, lên mức 2.557 USD/tấn.

Cùng với đó, giá càphê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong các tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn cao hơn nữa khi các hợp đồng theo giá mới được giao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng, giá càphê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng càphê năm nay giảm đến 10-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu càphê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện.

Xuất khẩu càphê của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục mới ảnh 2Thu hoạch càphê đặc sản tại Đắk Nông. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cùng với xuất khẩu, nhiều vùng trọng điểm sản xuất càphê cũng đang hướng tới phát triển bền vững thị trường tiêu thụ nội địa. Thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu càphê Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành càphê đã khiến tiêu thụ nội địa tăng khá.

Điển hình như Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh có trên 250 cơ sở chế biến càphê; trong đó có 235 cơ sở chế biến càphê bột, càphê hạt rang và 15 cơ sở chế biến càphê hòa tan. Như vậy, tỉnh Đắk Lắk có ít nhất 250 nhãn hiệu càphê chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đắk Lắk cũng đang khuyến khích doanh nghiệp càphê nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, năm 2022, đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn càphê nhân, tiêu thụ nội địa khoảng 25.000 tấn. Simexco Đắk Lắk đang rất quan tâm đến thị trường tiêu thụ càphê nội địa.

Phát triển càphê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành càphê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích càphê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.

Ông Lê Đức Huy cho biết, càphê Việt Nam đang bớt yếu điểm nhờ đã chuyển sang chất lượng thay vì khối lượng. Công ty Simexco Đắk Lắk cũng tiên phong trong phát triển càphê đặc sản.

Phát triển càphê đặc sản là sự thay đổi trong sản xuất càphê từ truyền thống sang trách nhiệm. Trách nhiệm đòi hỏi người sản xuất phải đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng-nhà nhập khẩu.

Xuất khẩu càphê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới kim ngạch năm 2023 có thể vượt 4 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.