Xuất khẩu của Hàn Quốc chững lại khi Trung Quốc rơi vào giảm phát

Hàn Quốc, quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, từng kỳ vọng sẽ có sự phục hồi kinh tế vào nửa cuối năm 2023 nhưng họ lại đang đối mặt với những rủi ro mới.
Xuất khẩu của Hàn Quốc chững lại khi Trung Quốc rơi vào giảm phát ảnh 1Container hàng hóa chờ bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Hàn Quốc đối mặt với những rủi ro mới khi đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc gặp khó khăn kinh tế và chưa có các giải pháp kịp thời để phục hồi hoạt động xuất khẩu đang chững lại.

Các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Cường quốc châu Á này đã ở trong tình trạng giảm phát, khi giá tiêu dùng của tháng 7/2023 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sau 29 tháng, con số này giảm xuống mức âm.

Cùng tháng, các dữ liệu khác, bao gồm doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến.

[Quy mô kinh tế của Hàn Quốc giảm 3 bậc trong năm 2022]

Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã quyết định không công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng này, do áp lực gia tăng đối với nền kinh tế.

Hàn Quốc, quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, từng kỳ vọng sẽ có sự phục hồi kinh tế vào nửa cuối năm 2023, khi thị trường Trung Quốc được đánh giá là đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Nhưng xu hướng giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đưa tới những rủi ro mới cho Hàn Quốc.

Chuyên gia Hwang Sei-woon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thị trường vốn Hàn Quốc, cho biết mặc dù Hàn Quốc đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng chưa thể ngay lập tức đạt được điều này.

Ông nói: “Nếu tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc kéo dài, nó có thể kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.”

Theo chuyên gia Hwang, khi Hàn Quốc đang cố gắng đa dạng hóa danh mục xuất khẩu quốc gia và sự phụ thuộc vào Trung Quốc có thể giảm bớt sau hai đến ba năm nữa. Nhưng trong hiện tại, do vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi, thì Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi ở một mức độ nhất định.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm lần lượt 20,9% và 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc từ tháng 1-7 năm nay.

Dữ liệu sơ bộ, do Cơ quan Hải quan Hàn Quốc công bố, cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc trong 10 ngày đầu tháng 8/2023 đạt 13,21 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu của tháng 7/2023 giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục chuỗi 14 tháng giảm.

Nhà nghiên cứu Hong Ji-sang của KITA cho biết: “Một phần đáng kể lượng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc là hàng hóa trung gian. Do đó, để tổng xuất khẩu của Hàn Quốc tăng lên, thì xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới sẽ phải tăng trước. Các số liệu gần đây cho thấy điều này sẽ không sớm xảy ra.”

Ông Hong dự đoán xuất khẩu tổng thể của Hàn Quốc sẽ không thể phục hồi cho đến đầu năm 2024.

Ông nói: “Trong bối cảnh ngành công nghiệp chất bán dẫn (chip) sụt giảm kéo dài, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) - các trung tâm chính của ngành công nghiệp bán dẫn - đã giảm phần lớn trong những tháng gần đây. Nếu hoạt động này không phục hồi, xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ không thể sớm tăng trở lại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.