Xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng Bảy do dịch COVID-19

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua được cho là đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,5% trong tháng trước đó.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 5/8 của hãng tin Reuters (Anh), xuất khẩu của Trung Quốc được cho là đã giảm trong tháng Bảy vừa qua khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng tác động tiêu cực tới nhu cầu của các nước.

Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu của nước này có thể đã chững lại.

Cụ thể, theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua được cho là đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,5% trong tháng trước đó.

[Các nhà xuất khẩu Trung Quốc chuyển hướng về 'sân nhà' vì COVID-19]

Trong tháng Bảy vừa qua, xuất khẩu các thiết bị y tế của Trung Quốc dự tính tăng kỷ lục trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử của nước này cũng tăng mạnh. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng số đơn đặt hàng xuất khẩu thấp sẽ bắt đầu tác động tiêu cực tới các nhà chế tạo của Trung Quốc trong thời gian tới.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của Reuters cũng cho thấy, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua có thể đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,7% trong tháng trước.

Theo các nhà kinh tế, hoạt động thương mại yếu kém sẽ làm gia tăng lo ngại liệu đà hồi phục hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc có bền vững hay không, khi nhu cầu trong nước tiếp tục cải thiện nhờ các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ nước này.

Tất cả cuộc khảo sát của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc về hoạt động chế tạo trong nước đều cho thấy, số đơn hàng xuất khẩu mới của nước này trong tháng Bảy vừa qua vẫn sụt giảm sau khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhu cầu toàn cầu, mặc dù hoạt động tổng thể của lĩnh vực chế tạo tăng trưởng nhanh hơn nhờ nhu cầu nội địa có sự cải thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.