Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vượt dự báo bất chấp căng thẳng với Mỹ và EU

Xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc trong tháng 6 đã khiến thặng dư thương mại của nước này tăng lên 99 tỷ USD, tăng từ mức 82,6 tỷ USD trong tháng 5.

Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/7, Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nước này đã vượt dự báo trong tháng 6, trong khi nhập khẩu tăng ít hơn dự kiến.

Dữ liệu cụ thể cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 307,8 tỷ USD, vượt qua ước tính tăng trưởng khoảng 7,4-8%.

Tuy nhiên, nhập khẩu đã giảm 2,3% so với một năm trước đó, xuống còn 208,8 tỷ USD.

Xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc trong tháng 6 đã khiến thặng dư thương mại của nước này tăng lên 99 tỷ USD, tăng từ mức 82,6 tỷ USD trong tháng 5.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu diễn ra khi Trung Quốc phải đối mặt với căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hai khu vực đã tăng thuế đối với ôtô điện do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do thuế quan từ Mỹ và EU chỉ nhắm tới một phần nhỏ hàng hóa Trung Quốc.

Chuyên gia Zichun Huang thuộc hãng Capital Economics cho rằng việc định tuyến lại thương mại và điều chỉnh tiền tệ có thể giảm thiểu tác động của các mức thuế này.

Các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là điểm đến lớn nhất của các sản phẩm Trung Quốc, với xuất khẩu sang khu vực này tăng 10,7% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1-6.

Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu 49,8 tỷ USD sang các nước ASEAN.

Xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 1,5% trong cùng khoảng thời gian, trong khi xuất khẩu sang EU giảm 2,6%.

Thép, ôtô, thiết bị gia dụng và tàu biển là những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất xưởng 2,93 triệu ôtô và 29,8 triệu tàu biển.

Bất chấp số liệu xuất khẩu tăng mạnh, hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn không thay đổi, với Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) giữ ổn định ở mức 49,5 trong tháng 6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.