Xuất khẩu da giày khả quan, Việt Nam vẫn hút đơn hàng từ thế giới

Theo đại diện Lefaso, khách hàng vẫn đánh giá các sản phẩm của Việt Nam tốt và ưu tiên các đơn hàng Việt Nam, vì vậy về dài hơi, dư địa cho hàng da giày của Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu da giày khả quan, Việt Nam vẫn hút đơn hàng từ thế giới ảnh 1Các doanh nghiệp da giày đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu da giày trong quý 1/2021đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại đạt 4,74 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp, thích ứng với xuất khẩu trong tình hình mới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã có một số trao đổi với phóng viên để hiểu rõ hơn về hoạt động của ngành trong những tháng đầu năm.

- Nhìn lại quý 1 vừa qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vậy các doanh nghiệp trong ngành da giày đã chịu những tác động như thế nào?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Có thể thấy, trong những tháng đầu năm, ngành da giày gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài tác động của dịch bệnh thì các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với việc giá nguyên liệu tăng cao, hay việc thiếu congtainer rỗng, giá vận tải tăng do ách tắc trong khâu vận chuyển…

Thậm chí, hàng xuất đi thì cũng không có đủ tàu để vận chuyển hàng hóa, cho dù có tàu cũng không có congtainer, điều này cho thấy doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cực kỳ vất vả.

Trong khi đó, giá đầu ra không thay đổi nhưng chi phí tăng,doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận tối đa.

Hơn nữa, do tác động của dịch bệnh cũng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, bởi trong năm 2020, doanh nghiệp ngành da giày bao gồm cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp 100% vốn trong nước phải bù lỗ rất lớn. Tất cả những điều đó khiến doanh nghiệp trong nước cần nhiều thời gian để phục hồi.

- Trong đại dịch COVID-19 vừa qua có thể thấy, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất thậm chí muốn xuất khẩu nhưng không có nơi tiêu thụ, vậy ngành da giày đã có những giải pháp như thế nào để hóa giải những bất cập trên, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Việc phát triển nguyên phụ liệu vẫn chủ yếu kêu gọi và phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước nguồn lực yếu, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện 60% nguyên phụ liệu của ngành vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, xu hướng dịch chuyển sản xuất hiện đang diễn ra trong rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành da giày. Các hãng trên thế giới đã nhận thức được nguy cơ từ việc “bỏ trứng vào 1 giỏ” và không thể lường trước được thiên tai, dịch bệnh, do đó sẽ chia nhỏ các cộng đoạn sản xuất để phòng tránh rủi ro.

Với chiến lược này, những lợi thế của Việt Nam cũng phải chia sẻ, đồng thời chúng ta cũng cần tận dụng điều đó để hút đầu tư. Ví dụ, sản xuất giày dép là thế mạnh của Việt Nam nên nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tập trung sản xuất vào trong nước nữa. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước phải tận dụng cơ hội để phát triển nguyên phụ liệu.

Vấn đề là các nhà quản lý phải xây dựng chính sách hợp lý, đủ lực hấp dẫn kéo nhà đầu tư thuộc lĩnh vực cần thiết đến Việt Nam.

Xuất khẩu da giày khả quan, Việt Nam vẫn hút đơn hàng từ thế giới ảnh 2Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Còn việc xây dựng thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu trong thời gian qua đã được ngành triển khai ra sao, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đã chú trọng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm và hiểu được giá trị của thương hiệu. Tuy nhiên, để nâng tâm hơn nữa vẫn cần đầu tư nhiều vấn đề như nguồn lực, kiến thức.

Thực tế, một số thương hiệu giày dép Việt đã được người tiêu dùng biết đến nhu Bitis, Giovani... Dù vậy vẫn phải tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu.

Theo tôi, đằng sau một thương hiệu là cả một câu chuyện về sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, để khẳng định tên tuổi, khi đưa sản phẩm ra thị trường phải công bố được tiêu chuẩn cho dù đó là chuẩn do doanh nghiệp tự đưa ra, như: độ bền, độ chịu mài mòn, độ bền màu… để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang thiếu điều đó trong marketing sản phẩm và chưa thể hiện được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; trong khi đây mới là yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu, yếu tố phát triển bền vững và thể hiện việc bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp.

- Bà dự báo thế nào về sản xuất-kinh doanh của ngành trong thời gian tới, đặc biệt là quý 2?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng, thu hút đơn hàng xuất khẩu. Như vậy, doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng xuất khẩu.

Hiện các doanh nghiệp da giày đang tận dụng khá tốt hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (gọi tắt là EVFTA), đạt khoảng 40% kim ngạch do mặt hành chủ lực của Việt Nam là giày thể thao.

Thêm đó, hiệp định thương mại Việt Nam-Anh cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành, với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.

Dù vậy, số doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do của khối FDI vẫn cao hơn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn rất thiếu nguyên liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ, cho dù có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng vẫn cần một chính sách cụ thể hơn, cũng như sự đồng thuận từ các địa phương cho các dự án da thuộc, nên khiến khâu thượng nguồn của ngành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, khách hàng vẫn đánh giá các sản phẩm của Việt Nam tốt và ưu tiên các đơn hàng Việt Nam. Nhìn về dài hơi trong 10 năm tới, dư địa cho hàng da giày của Việt Nam vẫn còn rất lớn và có khả năng tăng trưởng tốt.

- Xin cảm ơn bà./.

- Một số thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm giày dép của Việt Nam trong tháng 1/2021:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.