Xuất khẩu Đức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động đặc biệt mạnh tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức khi xuất khẩu hàng hóa của quốc gia đầu tàu châu Âu giảm xuống mức 1.204,7 tỷ euro.
Xuất khẩu Đức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 9/2 cho biết xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu thống kê cho biết xuất khẩu hàng hóa của Đức trong năm 2020 đã giảm 9,3%, chủ yếu do đại dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 3/2020.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động đặc biệt mạnh tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức khi xuất khẩu hàng hóa của quốc gia đầu tàu châu Âu giảm xuống mức 1.204,7 tỷ euro, trong khi nhập khẩu cũng giảm 7,1%, xuống còn 1.025,6 tỷ euro.

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 khi xuất khẩu giảm tới 18,4%.

Xuất khẩu giảm mạnh chủ yếu do đại dịch COVID-29 từ tháng 3/2020 khi biên giới bị đóng cửa, lĩnh vực logistics bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu.

[DIW: Nền kinh tế Đức không thể sớm thoát khỏi khủng hoảng]

Trong tháng 12/2020, xuất khẩu của Đức đã tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước đó. Hoạt động kinh doanh với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã đóng góp lớn vào sự phát triển tích cực của kinh tế Đức.

Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 11,6% trong tháng 12/2020 so với cùng kỳ năm 2019 lên 9,3 tỷ euro, trong khi xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 8,4% lên 9,2 tỷ euro lần đầu tiên sau 10 tháng.

Các chuyên gia nhận định sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ năm suy thoái 2020 sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu của Đức. Cụ thể, đối với đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức là Trung Quốc thì mức tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến đạt khoảng 8,5% trong năm nay, trong khi nền kinh tế Mỹ cũng có khả năng tăng trưởng mạnh.

Hiệp hội Ngoại thương Đức (BGA) kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ nhanh chóng phục hồi và có thể đạt mức trước khủng hoảng chậm nhất vào mùa Hè năm 2022.

Tại Italy,  cơ quan thống kê Istat ngày 9/2 cho biết sản lượng công nghiệp của Italy đã giảm 11,4% trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, mức giảm hằng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2009.

Là nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu bị tác động của dịch COVID-19, Italy trong năm 2020 áp đặt lệnh phong tỏa sớm hơn và lâu hơn các nước khác, kéo theo hệ quả nặng nề cho nền kinh tế.

Trước đây trong tháng 2, Istat công bố GDP của Italy suy giảm 8,9% trong năm 2020 và hơn 420.000 việc làm bị mất kể từ đầu dịch hồi tháng 2/2020, sự sụt giảm này mạnh nhất kể từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Italy vẫn tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh COVID-19 với tổng số ca tử vong tăng lên 91.580 trường hợp trong tổng số 2.644.707 ca nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.