Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng Tư tiếp tục giảm do tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19, trong đó nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm khá mạnh.
Xuất khẩu nông, thủy sản giảm 6,6%
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6% so với tháng 3/2020, ước đạt 2,02 tỷ USD.
[Vinatex: Xuất khẩu dệt may có thể giảm 20% do ảnh hưởng bởi COVID-19]
Trong đó, mặt hàng thủy sản giảm 4,6%, hạt điều giảm 4,2%. Ngoài ra, xuất khẩu càphê giảm 5%, cao su giảm 18% so với tháng trước...
"Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm trong 4 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Cùng với đó, xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm 18,6% so với tháng 3/2020, đạt 247 triệu USD. Riêng xuất khẩu dầu thô trong tháng 4/2020 tăng mạnh 26,5% về lượng nhưng giảm 14,1% về kim ngạch so với tháng 3/2020.
Cũng theo Bộ Công Thương, giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đơn cử, trong 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu nhân điều giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2019, càphê giảm 2,2%, chè giảm 13,1%, hạt tiêu giảm 19%.
Do tác động của dịch COVID-19, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 khoảng 20%.
- Cán cân thương mại 4 tháng đầu năm 2020:
Trong tháng 4/2020, xuất khẩu của Việt Nam với các nước đối tác lớn đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%...
Cộng dồn 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2020 ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình xuất nhập khẩu như trên, sau 4 tháng cả nước tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD.
Tập trung khơi thông thị trường
Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch, vì vậy để khơi thông cho xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh, cho biết Bộ Công Thương đang liên tục bám sát tình hình và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía các nước..
Trong ngày 4/5, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm phối hợp hành động cũng như có các giải pháp phù hợp để hạn chế tình trạng ùn ứ tại một số cửa khẩu.
Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức vận chuyển - giao nhận hàng hóa, cũng như khai thác tối đa tuyến vận tải đường sắt liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã làm việc với phía Trung Quốc để sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, đồng thời trao đổi các giải pháp đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới cũng như điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Cục thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động... trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Ngày 21/4, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, nhằm đẩy mạnh các cơ hội hợp tác, giao thương và kết nối đơn hàng.
Với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý các Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đánh giá và đưa ra đối sách để kịp thời khai thác, phát triển các thị trường xuất khẩu mới để kịp thời thay thế, bổ sung các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi tác động của dịch bệnh COVID-19.
Ông đề nghị tập trung vào các thị trường có sự kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh khai thác các khung khổ hợp tác thương mại song phương, đa phương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm tiếp cận thị trường.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
“Tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm./.