Xuất khẩu khu vực doanh nghiệp vốn trong nước tăng trưởng 3,9%

​Dù chưa đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu là 10% theo chỉ tiêu quốc hội giao, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 5 tháng, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có sự hồi phục đáng kể.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù chưa đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu là 10% theo chỉ tiêu quốc hội giao, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 5 tháng, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có sự hồi phục đáng kể.

Báo cáo tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/6, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng Năm ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,74% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, khu vực kinh tế 100% vốn trong nước đạt 19,44 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 48,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, nhóm nông lâm thủy sản do doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng lớn đã đạt được mức tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương với mức tăng 818 triệu USD ((cùng kỳ năm ngoái nhóm này giảm tới 10%), đã góp phần vào sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng nâng cao năng lực sản xuất, thể hiện rõ nét là sự gia tăng ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của khối này như: Điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD, tăng 20,6%; hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 5,4%... so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm năm 2015.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 0,7% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng với kim ngạch đạt 19,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,2%; Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 6,4%; EU đạt 3,8 tỷ USD, giảm 3,7%; Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,4%; Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 6,4%.

Như vậy, trong tháng Năm ước nhập siêu khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên sau 5 tháng, cả nước xuất siêu 1,36 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,10 tỷ USD.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng để đạt được mức tăng trưởng 10% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, theo lãnh đạo Bộ Công Thương cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Vụ, cục chức năng cần tập trung rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, trách nhiệm chính mà Bộ trưởng nhấn mạnh là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp có thể tận dụng được các lợi thế đã được ký kết.

"Cần đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo thực hiện tốt Luật đầu tư và luật doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7 và đặc biệt không đẻ thêm các Thông tư, giấy phép con, qua đó có thể tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục