Với số lượng lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc liên tục tăng và các thị trường truyền thống phát triển tốt, xuất khẩu lao động năm 2014 đã vượt 16,7% chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sang năm 2015, bên cạnh đạt mục tiêu tiếp tục tăng về số lượng, xuất khẩu lao động sẽ tiến tới các mục tiêu tăng cường về chất lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài và đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn.
Đài Loan liên tục là thị trường lớn nhất
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2014, chiếm tới hơn 60% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổng số lao động đưa đi trong năm 2014 khoảng 60.000 lượt lao động, đây là mức cao nhất mà chúng ta đạt được tại thị trường này trong 14 năm qua.
Không dừng lại ở kết quả vượt bậc về số lượng, sang năm 2015, theo dự báo của cả các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, Đài Loan sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu lao độn. Thị này này hứa hẹn sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đánh giá về thị trường Đài Loan (Trung Quốc), ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tình hình cung ứng lao động của các nước khác đang có lợi cho phía Việt Nam vì số lượng lao động Thái Lan đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục xu hướng giảm dần, trong đó nguồn lao động thay thế chủ yếu là lao động Việt Nam và Philippine trong nhiều năm nay cơ bản không đẩy mạnh việc đưa lao động sang Đài Loan(Trung Quốc).
Theo ông Tống Hải Nam, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường gần gũi, thân thiện với người Việt Nam. Thị trường này sẽ vẫn thu hút được nhiều lao động Việt Nam trong năm 2015 vì có mức lương cơ bản khá cao trong các thị trường hiện có (lương cơ bản xấp xỉ 630 USD). Đặc biệt, đây là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ ở cả hai phía, lại gần về vị trí địa lý và dễ thích nghi và hòa nhập đối với lao động Việt Nam.
Nếu như năm 2014, tổng chi phí đi Đài Loan (Trung Quốc) theo quy định đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giảm từ không quá 4.500 USD/người (năm 2013) xuống không quá 4.000 USD/người thì việc giảm chi phí đi Đài Loan trong năm 2015 cũng đang được xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia vào thị trường này.
Nhu cầu cung và cầu lao động đi thị trường Đài Loan liên tục tăng đã khuyến khích doanh nghiệp hợp tác xây dựng phát triển thị trường này. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cũng hứa hẹn là tín hiệu tích cực cho người lao động muốn đi xuất khẩu lao động tại thị trường này trong năm 2015.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Lương Trào cho biết, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã thành lập Ban thị trường Đài Loan. Ban này có nhiệm vụ thống nhất quy trình cung ứng lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) về điều kiện hợp đồng, mức chi phí và chủ động tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu của thị trường… Như vậy, thị trường Đài Loan trong năm 2015 sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm được các doanh nghiệp đầu tư tăng về số lượng về chất lượng.
Tăng cơ hội việc làm thu nhập cao
Đánh giá về khả năng phát triển thị trường xuất khẩu lao động truyền thống khác trong năm 2015, ông Tống Hải Nam cho rằng, từ tình hình thực tế cho thấy ngoài Đài Loan, lao động Việt Nam sẽ có thêm khá nhiều cơ hội việc làm có thu nhập tốt ở Nhật Bản và Malaysia.
Trong khoảng 3 năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề: Xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may… trong đó, nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh.
“Để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, trong 5 năm từ năm 2015 đến năm 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây, lao động Việt Nam sẽ có cơ hội đi làm việc thu nhập cao tại thị trường này,” ông Tống Hải Nam nói.
Bên cạnh Nhật Bản, Malaysia cũng là một thị trường truyền thống đã từng tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, mấy năm gần đây lao động Việt Nam ít chọn thị trường này do mức lương không cao. Chính sự sụt giảm về số lượng lại khiến các doanh nghiệp khai thác thị trường Malaysia khắt khe hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội (HANIC) cho biết: “Malaysia là thị trường không tốn quá nhiều chi phí, thậm chí một số đơn hàng của công ty tôi người lao động đi làm việc tại Malaysia với điều kiện sinh hoạt và mức lương tốt nhưng không phải mất phí nên phù hợp với điều kiện của nhiều người lao động Việt Nam. Lao động khi đi thị trường này thường lựa chọn khắt khe hơn, vì vậy, sang năm 2015, công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm những đơn hàng tốt để đẩy mạnh đưa lao động đi thị trường này.”
Song song với việc duy trì phát triển các thị trường truyền thống để đạt chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ hướng tới việc tìm kiếm các đơn hàng có điều kiện làm việc, thu nhập tốt cho người lao động.
Ông Nguyễn Lương Trào nhận định: “Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hướng tới thị trường ổn định về thu nhập và phúc lợi xã hội cho người lao động như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển những thị trường có thu nhập cao, yêu cầu người lao động cao như điều dưỡng viên đi Đức, Nhật…”/.