Xuất khẩu lao động là một trong những "con đường" thoát nghèo nhanh chóng. Thế nhưng, hành trình đưa các chương trình hỗ trợ lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đến với người dân còn gặp nhiều khó khăn.
[Xuất khẩu lao động lập kỷ lục đưa hơn 140.000 người đi nước ngoài]
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về những cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động các huyện nghèo trong năm 2019.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chương trình đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Trong những năm vừa qua, thị trường lao động bắt đầu mở rộng hơn đối với đối tượng lao động thuộc huyện nghèo. Trước đây, chủ yếu người lao động đi làm việc tại thị trường Trung Đông và Malaysia, nhưng đến nay, lao động đã có thể đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong thực tế thời gian qua, rất nhiều người lao động thuộc các huyện nghèo cũng như lao động thuộc các đối tượng chính sách ở vùng núi và người đồng bào dân tộc thiểu số có thể gia chương trình này rất tốt. Nhiều nơi có những gia đình có điều kiện để sửa sang nhà cửa.
Người lao động sau thời gian làm việc về đã có khoản tiền tích lũy để nâng cao đời sống. Ngoài ra, khi trở về nhiều người đã tìm được công việc phù hợp ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
- Như vậy, đâu là những cơ hội việc làm tốt, thị trường phù hợp với lao động tại các huyện nghèo trong năm 2019, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Trước đây, đối với những lao động ở miền núi hoặc là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì thường đi làm việc ở các địa bàn, thị trường không đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn và chi phí đi thấp. Tuy nhiên, hiện nay thị trường lao động ngoài nước cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho người lao động ở miền núi, lao động ở huyện nghèo, lao động có trình độ không cao.
Ngay cả thị trường Nhật Bản là thị trường vốn “khó tính” cũng đang mở ra rất lớn với số lượng tiếp nhận nhiều trong năm 2019, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp rất phù hợp với lao động huyện nghèo. Tôi đã có thời gian công tác ở Nhật Bản và thấy rằng tại một số địa phương của Nhật Bản thường tiếp nhận lao động theo vụ mùa và những lao động này rất phù hợp với những lao động ở vùng miền núi của Việt Nam. Thời gian làm việc chỉ khoảng 7 tháng tại Nhật Bản. Thời gian qua, nhiều người lao động đi theo chương trình ngắn hạn này cũng đã có những kết quả rất tốt.
Bên cạnh đó, hiện nay một số địa phương đang mở rộng chương trình hợp tác với Hàn Quốc đi làm việc 3 tháng, theo hình thức hợp tác giữa địa phương với địa phương. Đây là chương trình chúng tôi đánh giá rất tốt, bởi các chủ sử dụng, các chủ trang trại ở Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Sang năm 2019, chương trình này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho lao động huyện nghèo.
Theo tôi, đối với trình độ, khả năng tài chính của lao động ở huyện nghèo sẽ phù hợp với việc đi làm nông nghiệp ở một số thị trường như ở Nhật Bản, Hàn Quốc với những chương trình lao động trong thời gian ngắn.
Chúng tôi cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp, các đối tác về việc giảm điều kiện về trình độ chuyên môn, tay nghề để có thêm những cơ hội việc làm nông nghiệp, chế biến thủy, hải sản, chăn nuôi… trong năm 2019 cho người lao động tại các huyện nghèo.
- Xin ông cho biết hiện nay đang có những chính sách hỗ trợ gì đối với lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài ?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 quy định những chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, hỗ trợ các khoản chi phí khám sức khoẻ, làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài…
Ngoài ra, lao động tại các huyện nghèo có thể vay vốn 100% chi phí đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
- Mặc dù ngày càng có nhiều cơ hội việc làm tốt, nhiều hỗ trợ cho lao động huyện nghèo nhưng dường như nhiều lao động vẫn chưa mặn mà với xuất khẩu lao động, ông lý giải thế nào về thực trạng này?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Bên cạnh một số kết quả đạt được, chúng tôi thấy rằng công tác đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài cũng còn những hạn chế.
Đầu tiên phải nói đó là chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ chưa thực sự tham gia hợp tác tuyên truyền tốt về vấn đề này.
Thứ hai là ngoài các doanh nghiệp làm tốt thì cũng còn một số doanh nghiệp làm chưa tốt trong việc đưa người lao động đi nước ngoài. Doanh nghiệp chưa phối hợp với địa phương trong việc phản hồi các thông tin liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài để cán bộ địa phương có thể thông tin lại cho gia đình cũng như thân nhân của người lao động nắm bắt được tình hình của người lao động ở nước ngoài.
Một vấn đề nữa là công tác phối hợp xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài cũng còn hạn chế. Chính vì vậy cũng đã làm mất uy tín cũng như làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua.
- Vậy thì công tác tuyên truyền sẽ được chú trọng như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ cơ sở, bởi vì hơn ai hết đây là những người gần dân và sát dân nhất. Họ sẽ là người tư vấn, hướng dẫn hoặc thông tin thêm về các điều kiện làm việc ở nước ngoài, các thị trường lao động ngoài nước về những công việc phù hợp với người lao động và có thể đưa ra cách thức tư vấn, truyền thông phù hợp, gần gũi với người dân ở địa phương của họ.
Thực tế, thông qua việc nâng cao nghiệp vụ về thông tin, tư vấn cho cán bộ địa phương, cơ sở thì những thông tin về thị trường, điều kiện, tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài và chi phí, sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã đến được gần hơn với người lao động.
- Xin cảm ơn ông!