Cục Hải quan Hàn Quốc cho biết xuất khẩu mỳ ăn liền (ramyeon) của Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-10/2023 đạt tổng trị giá 785,2 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chính thức vượt cột mốc 1.000 tỷ won (khoảng 776 triệu USD).
Năm 2023 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 60 năm gói mỳ ăn liền đầu tiên của Hàn Quốc được sản xuất năm 1963.
Số liệu thống kê cho biết nếu tỷ giá hối đoái won/USD là 1.300 won được áp dụng cho xuất khẩu mỳ ăn liền trong giai đoạn từ tháng 1-10/2023, con số này sẽ lên tới 1.020,8 tỷ won, đánh dấu lần đầu tiên xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc vượt quá 1.000 tỷ won.
Ước chung cả năm nay, giá trị xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc sẽ lên tới 1.200-1.300 tỷ won.
Xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc tăng theo làn sóng Hallyu
Quốc gia nhập khẩu mỳ ăn liền Hàn Quốc lớn nhất là Trung Quốc với giá trị khoảng 174,4 triệu USD.
Mỹ đứng thứ hai với 107 triệu USD, tiếp theo là Nhật Bản với 48,66 triệu USD và Hà Lan với 48,64 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ghi nhận 12,24 triệu USD, đứng thứ 15, cao nhất trong các quốc gia Trung Đông. Saudi Arabia xếp thứ 18 với 8,99 triệu USD.
Nếu tính theo tỷ giá hối đoái won/USD là 1.300 won thì xuất khẩu mỳ ăn liền năm 2022 của Hàn Quốc cũng đã đạt gần 1.000 tỷ won. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng số lượng xuất khẩu ở đây chỉ xem xét những sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc và xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong trường hợp phản ánh cả số lượng sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại các nhà máy ở nước ngoài và bán ra ở thị trường địa phương thì kim ngạch xuất khẩu mỳ ăn liền toàn cầu của Hàn Quốc còn lớn hơn nhiều.
Một lãnh đạo của Nongshim, công ty sản xuất mỳ ăn liền hàng đầu Hàn Quốc, cho biết năm 2022, chỉ tính riêng sản phẩm mỳ ăn liền được bán qua các nhà máy ở Mỹ và Trung Quốc đã lên tới khoảng 900 tỷ won.
Nếu tính cả kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm mỳ gói được sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài thì sẽ là khoảng 1.000 tỷ won.
Trên thực tế, quy mô xuất khẩu mỳ ăn liền trong nước ước tính vào khoảng 2.000 tỷ won.
Công ty Nongshim không chỉ sản xuất trong nước mà còn có các nhà máy sản xuất mỳ ăn liền ở Mỹ, Trung Quốc để bán trực tiếp tại địa phương.
Một trong những lý do khiến mỳ ăn liền Hàn Quốc trở nên phổ biến ở nước ngoài là trong thời kỳ dịch COVID-19, mỳ ăn liền đã trở thành thực phẩm thiết yếu được người dân tích trữ tại nhà.
Đồng thời, sức ảnh hưởng của Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) ngày càng mở rộng, với sự phổ biến của các tác phẩm điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc như "Ký sinh trùng,""Squid Game," mỳ ăn liền Hàn Quốc càng nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng khắp thế giới. Theo đó, doanh số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tương lai./.