Xuất khẩu nhôm của Trung Quốc vào EU giảm 30% trong năm 2023

Lượng nhôm mà EU nhập khẩu từ Trung Quốc là 689.000 tấn vào năm 2023, giảm 30% so với năm 2022, trong đó nguyên nhân chính là thuế carbon qua biên giới mà EU thực hiện từ năm 2023.

Sản phẩm nhôm cuộn tại một nhà máy ở Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Sản phẩm nhôm cuộn tại một nhà máy ở Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo Hiệp hội sản xuất kim loại màu Trung Quốc, lượng nhôm mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Trung Quốc được giám sát theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là 689.000 tấn vào năm 2023, giảm 30% so với năm 2022.

Các nhà phân tích về lĩnh vực sản xuất nhôm cho rằng nguyên nhân chính là thuế carbon qua biên giới mà EU thực hiện từ năm 2023.

Mục đích của CBAM là thiết lập mức giá khí thải tương đương liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất sạch hơn trên toàn cầu, không phải chỉ riêng sản xuất nhôm tại Trung Quốc.

CBAM mang đến giải pháp mới về chi phí tương đương đối với khí thải từ hoạt động sản xuất các sản phẩm có lượng khí thải lớn được nhập khẩu vào EU.

Việc thực hiện từng bước CBAM diễn ra cùng lúc với việc giảm phân bổ hạn ngạch miễn phí theo Hệ thống giao dịch khí thải của EU nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giảm khí thải carbon trong các ngành công nghiệp ở EU.

Giai đoạn đầu của CBAM được triển khai vào tháng 10/2023. Các nhà quản lý không thu phí liên quan đến khí thải CO2 cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, các nước xuất khẩu hàng hóa vào EU phải công bố lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến việc sản xuất sản phẩm.

Trung Quốc hiện xuất khẩu các sản phẩm như thép và nhôm vào Đức, Pháp và Italy.

Do những thay đổi trong hình thức mua bán nhôm, ngành sản xuất nhôm của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với những thách thức và điều chỉnh, dù nhu cầu của lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.