Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ vượt xa mục tiêu 44 tỷ USD

Với kết quả kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng ước đạt gần 43,5 tỷ USD, thì mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 44 tỷ USD của ngành nông nghiệp năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ vượt xa mục tiêu 44 tỷ USD ảnh 1Dây chuyền chế biến cá tra tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 43,48 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39%.

Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản gần 4,3 tỷ USD, giảm 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2%. Với kết quả này, thì mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp đặt ra với con số 44 tỷ USD cho năm 2021 là hoàn toàn đạt được và sẽ vượt mục tiêu khá cao.

Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%.

Những sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế…

[Xuất khẩu nông nghiệp kỳ vọng đạt mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2021]

Riêng tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu có cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, cụ thể: cao su tăng 40,5% giá trị; gạo tăng 7,3%; hạt điều tăng 14,6%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 23%).

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7% nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng tăng 54,4% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44%. Hồ tiêu cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng cao nhất từ đầu năm đến nay với mức trên 54%. Mặt hàng cà phê cũng có khối lượng giảm 4,4% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 5,9%, nhờ giá tăng gần 11%.

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần, châu Mỹ 29,6%, châu Âu 11,5%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,6%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 11,9 tỷ USD, chiếm 27,5% thị phần; trong đó giá trị nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc gần 8,4 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần; riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,3% tỷ trọng. Thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 6,9%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai Tổ công tác phía Nam và phía Bắc của Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thường xuyên tổ chức/phối hợp tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển ngành hàng.

Các đơn vị chuyên mốn tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga...; xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.”

Đặc biệt với những quy định mới của Trung Quốc về Quản lý và đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 248) và Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thiện hồ sơ để tránh gián đoạn trong xuất khẩu sang thị trường này.

Bộ cập nhật 63 thông báo biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) của Ban thư ký WTO; trong đó có 48 Thông báo lấy ý kiến Thành viên WTO, 15 quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật có hiệu lực.

Về nhập khẩu, kim ngạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 260,5%; nhóm đầu vào sản xuất trên 6,6 tỷ USD, tăng 33,6%.

Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 8,9% thị phần; trong đó mặt hàng bông chiếm 35,5% giá trị. Tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5%; riêng mặt hàng điều chiếm gần 61,7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.