Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỷ USD, giảm trên 12% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trừ thị trường Trung Quốc giảm, còn lại hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng, đặc biệt là các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Hàn Quốc tăng 22%; Mỹ tăng 6%, Nhật Bản tăng 15,5%; Hà Lan tăng 9%…
Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với trên 60% thị phần.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt trên 906 triệu USD, giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 5/2020, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (35% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) giảm 6,7%; chuối giảm 7,6%; dưa hấu giảm 39,6%; nhãn giảm 80,4%; sầu riêng giảm 87,5%…
Với thị trường Nhật Bản, sau khi chuyên gia Nhật Bản tiến hành trực tiếp kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều của Việt Nam, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang đã lần đầu được xuất khẩu qua đường hàng không và đến sáng ngày 20/6 đã có mặt tại Nhật Bản.
Trong ngày mở bán đầu tiên (21/6), lô vải thiều tươi này đã bán hết chỉ trong vòng vài tiếng.
Đáng chú ý, phía doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải Việt Nam.
Khởi đầu thành công đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho quả vải thiều tươi đến với thị trường khó tính này. Đến nay, xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản ước đạt 100 tấn, ngoài ra sang EU trên 500 tấn, Australia trên 70 tấn…
Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang…
[Chuối Việt Nam chính thức vào chuỗi siêu thị Lotte Hàn Quốc]
Bên cạnh đó, hàng năm doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản thường nhập khẩu lượng lớn trái cây như chuối, vải do người tiêu dùng nước này rất ưa chuộng loại trái cây này.
Đây cũng là những mặt hàng được nhận định có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA).
Cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả; trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước nên chi phí cho logistics tăng lên khá cao.
Bên cạnh đó, do Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, còn chiếm tỷ trọng quá lớn nên xuất khẩu rau quả thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 583 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Trung Quốc, Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.
So với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu rau quả 5 tháng đầu năm từ các thị trường Trung Quốc, Australia giảm lần lượt là 34,6% và 17,5%, trong khi nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ tăng 31,3%./.