Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ mức tăng trưởng hai con số

Xuất khẩu thủy sản tăng chậm do ảnh hưởng của giá tôm thế giới giảm sâu, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số.
Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ mức tăng trưởng hai con số ảnh 1Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Dù trong vài tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản chỉ tăng chậm do ảnh hưởng của giá tôm thế giới giảm sâu, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số.

Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Tăng trưởng tốt ở tất cả các mặt hàng

Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng kể nhất là xuất khẩu mặt hàng cá tra có sự tăng trưởng khá mạnh trong khoảng thời gian này, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều có lợi nhuận tốt nhờ giá bán tăng.

Trong tháng 6/2018, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 200 triệu USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong sáu tháng đạt gần 1 tỷ USD, tăng 21%. Trừ thị trường EU bị sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác vẫn tăng trưởng rất khả quan, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, mặc dù việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cao và chương trình thanh tra cá da trơn khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường này bị thu hẹp, còn lại rất ít doanh nghiệp tham gia.

["Thẻ vàng" đối với ngành xuất khẩu hải sản: Tìm cơ hội từ thách thức]

Tuy nhiên, chính việc kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ làm cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đối thủ ở nước này không có cớ để tẩy chay cá tra Việt. Bên cạnh đó, nhờ những tín hiệu tốt từ các thị trường khác như Trung Quốc cũng khiến giá cá tra xuất khẩu cá tra Mỹ tăng lên đáng kể.

Đối với mặt hàng tôm, do ảnh hưởng của giá tôm trên thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng đã khiến giá tôm nguyên liệu và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng qua.

Hơn nữa, nguyên nhân giá tôm giảm mạnh còn do tồn kho cao cuối năm 2017 do các nước trúng mùa, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và thời tiết khu vực Bắc Mỹ những tháng đầu năm lạnh hơn cũng khiến việc tiêu thụ tôm giảm, đẩy lượng tồn kho tăng cao khiến giá tôm thế giới đồng loạt giảm, nhất là trong tháng Tư và tháng Năm.

Số liệu của VASEP cho thấy xuất khẩu tôm trong tháng Năm giảm gần 10% so với cùng kỳ; xuất khẩu trong tháng Sáu tiếp tục giảm nhẹ 0,7%, đạt 284 triệu USD. Tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng xuất khẩu cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác, dù bị ảnh hưởng của thẻ vàng về IUU ở thị trường EU, tuy nhiên nhìn chung xuất khẩu các mặt hàng này đều có sự tăng trưởng đáng kể; trong đó, xuất khẩu cá ngừ trong sáu tháng đầu năm ước đạt trên 300 triệu USD, tăng 13%; xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 300 triệu USD, tăng 13%; các loại cá biển khác cũng tăng 14%, đạt khoảng 653 triệu USD.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm, do nhu cầu thị trường có xu hướng tăng. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018.

Trung Quốc có thể trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất

Căn cứ vào số liệu của VASEP cho thấy, trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường đều có sự tăng trưởng dương. Tuy vậy, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính (trừ Trung Quốc) lại có sự tăng trưởng khá thấp.

Chẳng hạn như ở thị trường Mỹ, dù vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam song xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 626 triệu USD. Tiếp đó là thị trường Nhật Bản, tăng trưởng xuất khẩu cũng chỉ ở mức 4,8% so với cùng kỳ, đạt gần 600 triệu USD.

Riêng thị trường EU, do tác động của thẻ vàng IUU làm xuất khẩu cá ngừ và một số mặt hàng hải sản bị xáo trộn trong 3-4 tháng đầu năm, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng chậm lại khoảng 2,7% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến cho thị trường EU tụt xuống đứng thứ 4 trong các thị trường chính của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ mức tăng trưởng hai con số ảnh 2Cá ngừ sọc dưa do ngư dân Khánh Hòa khai thác. (Ảnh: Tiên MinhTTXVN)

Ngược lại, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Với giá trị xuất khẩu ước đạt 586 triệu USD trong sáu tháng đầu năm nay, tăng đến 16,7% so với cùng kỳ, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu chính thứ 3 của thủy sản Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, Trung Quốc có thể vươn lên trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam trong thời gian ngắn tới đây. Trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm vị trị rất nhỏ trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu, nhưng gần đây tăng trưởng liên tục. Đây là một trong những thị trường hiếm hoi không tăng trưởng âm trong suốt quãng thời gian dài. Năm 2017, Trung Quốc lần đầu lọt vào top thị trường "tỷ đô," đạt 1,28 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm đang có xu hướng sụt giảm thì Trung Quốc thực sự là một thị trường thay thế đầy tiềm năng, nhất là đối với ngành cá tra.

Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh với mức trung bình 21-31%/năm. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu các doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Đại diện VASEP cũng cho biết, hiện nhiều quy định của nhà nước Trung Quốc cũng đang khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam bối rối. Đơn cử như quy định dư lượng photphat trong cá tra, hiện quy định của hàng không hóa chất của châu Âu là hàm lượng này không vượt quá 4% .

Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ. Đặc biệt, với sản lượng cá tra gia tăng xuất khẩu vào thị trường tăng mạnh, phía Trung Quốc hiện đang bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn đối với mặt hàng này.

Bên cạnh đó, việc các thương lái Trung Quốc ồ ạt sang thu mua nguyên liệu thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy chế biến trong nước và khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh, chất lượng nguyên liệu thủy sản xuất khẩu.

Điều này không chỉ gây tổn hại ảnh hưởng đến chất lượng, hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc mà còn khiến doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác cũng bị “vạ lây.”

Trước tình hình này, mới đây, VASEP đã có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, VASEP đề nghị Bộ sớm xem xét và chỉ đạo việc thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu hàng đi Trung Quốc bằng phương thức xuất khẩu đường bộ trong thời gian ba tháng cho đến khi nguyên liệu dồi dào trở lại. Đồng thời, có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu qua biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.