Liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết đây là thông tin tốt cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để sản phẩm tôm của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác tại thị trường Mỹ.
Việc Mỹ công nhận 31 doanh nghiệp của Việt Nam không bán phá giá là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này. Quan trọng là với mức thuế thấp thì sản phẩm tôm của Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu tôm thời gian tới, ông Hòe cho rằng, thông thường nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp cuối năm thường tăng mạnh, do đó khả năng xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu trong nước.
Dự báo, năm 2020 xuất khẩu tôm sẽ có sự khởi sắc, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu trong nước có đáp ứng đủ hay không. Thực tế hiện nay, với chu kỳ nuôi ngắn, khi tín hiệu thị trường tốt, các doanh nghiệp, người nuôi sẽ đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm thì mới có thể đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành tôm Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực, cần có sự vào cuộc từ bộ, ngành trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người nuôi.
Trước mắt, ngành tôm Việt Nam tập trung giải quyết những hạn chế để giảm chi phí đầu vào, sau đó đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tôm chế biến; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và bảo vệ hình ảnh con tôm Việt trên thị trường thế giới.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay của các nhà cung cấp, muốn bán được hàng thì ngành tôm Việt Nam cần phải tạo ra được ưu thế vượt trội so với đối thủ và đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường.
Các doanh nghiệp, nhà cung cấp, người nuôi cần thực hiện tốt theo Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Ngành tôm tập trung tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm Việt Nam thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất; xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững ở giai đoạn tiếp theo.
Cần hình thành ngành công nghiệp tôm công nghệ cao ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.
[31 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ hưởng mức thuế 0%]
Trong tổ chức và quản lý sản xuất, cần vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất tôm; thực hiện thí điểm đánh số và cấp mã số nhận diện ao nuôi, vùng nuôi để phục vụ cho quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong phát triển thị trường, ngành tôm thúc đẩy đàm phán để xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường xuất khẩu tôm truyền thống, phối hợp tháo gỡ kịp thời các rào cản để tăng xuất khẩu các sản phẩm tôm của Việt Nam vào các thị trường tiềm năng.
Theo Tổng cục Thủy sản, để xuất khẩu tôm vào Mỹ, các nhà thu mua yêu cầu phải đáp ứng các quy định rất khắt khe như tôm phải truy xuất được nguồn gốc, sản xuất bảo vệ môi trường... Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá, sắp tới là vấn đề phát sinh từ chương trình SIMP (giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ) cũng như sức ép tôm giá thấp từ thị trường Ấn Độ tại thị trường Mỹ, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp tăng tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng để không bị áp thuế chống bán phá giá.
Theo VASEP, 7 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng đạt những kết quả tích cực hơn trong những tháng cuối năm.
Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng; nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng trưởng dương.
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay./.