Xuất khẩu trái cây Việt: Tìm cách 'mở cửa' các thị trường giá trị cao

Để "mở cửa" thị trường có giá trị xuất khẩu cao cho trái cây Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ cần phải chú ý đến các xu hướng tiêu dùng mới và chuyên nghiệp hơn khi quảng bá sản phẩm tại hội chợ quốc tế.
Các sản phẩm của Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ trái cây Macfrut, Italy. (Ảnh minh họa: Trường Dụy/TTXVN)
Các sản phẩm của Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ trái cây Macfrut, Italy. (Ảnh minh họa: Trường Dụy/TTXVN)

Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái do thị phần tại Trung Quốc giảm sâu. Tuy nhiên, sự chuyển dịch khá tích cực sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao, chú trọng đến nâng cao giá trị sản phẩm sẽ đem lại nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” do Tổ điều hành diễn đàn kết nối nông sản của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Diễn đàn 970) tổ chức ngày 8/6.

Nhiều cơ hội cho trái cây Việt

Đánh giá về tình hình trong 6 tháng cuối năm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng trái cây Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu khi Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chính sách này vẫn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm nhưng riêng mặt hàng chuối đã tăng trưởng. Trong 5 tháng, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Phillipines với 28%.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào, phí thuê đất và lao động tăng đẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu. Ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam do vị trí địa lý gần hơn các nước khác.

“Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh không còn 'Zero COVID,' Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực,” ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.

Không chỉ sản phẩm chuối đang rất có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm quốc gia này đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Bên cạnh đó, sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối khi hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.

Trong thời gian qua, tại những thị trường ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt, dịch bệnh không làm gián đoạn lớn đến hoạt động xuất khẩu mà còn mở ra thêm nhiều cơ hội. Theo ông Lê Văn Thiệt, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm: Thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Có hai quốc gia đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi.

Xuất khẩu trái cây Việt: Tìm cách 'mở cửa' các thị trường giá trị cao ảnh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 3 loại quả tươi như thanh long, xoài, vải. 

“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật để xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác,” ông Thiệt nói.

Nâng chất lượng, mở cửa các thị trường lớn

Trong bối cảnh trái cây Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị của trái cây phải được chú trọng để vượt qua hàng rào kỹ thuật, "mở cửa" thị trường có giá trị xuất khẩu cao. 

['Chìa khóa' mở cửa thị trường châu Âu cho hàng nông sản Việt]

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng hiện nay thị trường đang xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, trong đó có ngành hàng trái cây mà các doanh nghiệp cần phải hết sức lưu tâm, thay đổi cho phù hợp như: Thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật; xu hướng trở về với cội nguồn; đề cao trách nhiệm chung của ngành hàng trái cây; thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch; tiếng nói của người tiêu dùng…

Ở góc độ của doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng hiện nay công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam đã được triển khai tốt, thế nhưng nông sản của Việt Nam lại đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Lương Phước Vinh, hiện nay nhiều thị trường ở châu Âu có tiềm năng không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường bởi các đối tác châu Âu đều sẵn sàng hỗ trợ.

Từ kinh nghiệm đưa trái cây Việt Nam ra các thị trường quốc tế, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group chia sẻ nên xây dựng một "ngôi nhà chung" cho trái cây Việt Nam khi tham gia các hội chợ quốc tế thay vì chia nhỏ thành các gian hàng cho các doanh nghiệp như hiện nay.

“Những doanh nghiệp được chọn phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế,” ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.