Xuất khẩu vũ khí của Đức dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023

Số liệu của Bộ Kinh tế liên bang Đức công bố ngày 2/10 cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Đức đã phê duyệt xuất khẩu số vũ khí có giá trị cao hơn cả năm ngoái.
Xuất khẩu vũ khí của Đức dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 ảnh 1Xe tăng của quân đội Đức. (Nguồn: AP)

Trong 3 quý đầu năm 2023, Chính phủ liên bang Đức đã phê duyệt xuất khẩu số vũ khí trị giá 8,76 tỷ euro và dự kiến đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm nay.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Bộ Kinh tế liên bang Đức công bố ngày 2/10 cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Đức đã phê duyệt xuất khẩu số vũ khí có giá trị cao hơn cả năm ngoái (cả năm 2022 đạt 8,35 tỷ euro).

Với trị giá xuất khẩu vũ khí từ đầu năm tới nay đạt 8,76 tỷ euro, đây là giá trị cao thứ hai trong lịch sử CHLB Đức. Giá trị cao nhất đạt được trong năm 2021, với 9,35 tỷ euro, dự kiến sẽ bị "phá vỡ" vào cuối năm nay.

Trong 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ có 5 năm vũ khí xuất khẩu vượt quá mốc 6 tỷ euro.

[Đức dự chi 130 triệu USD đặt hàng đạn pháo tự hành PzH 2000]

Đối tác tiếp nhận vũ khí nhiều nhất của Đức là Ukraine, trong đó Chính phủ Đức đã phê duyệt xuất khẩu số thiết bị quân sự trị giá 3,3 tỷ euro cho quốc gia này trong 3 quý đầu năm 2023.

Trị giá các lô vũ khí được phê duyệt xuất sang Ukraine từ đầu năm cho tới nay đã đưa Kiev trở thành nơi tiếp nhận vũ khí xuất khẩu lớn nhất của Đức, tăng gấp hơn 4 lần so với số vũ khí trị giá 755 triệu euro mà Đức đồng ý cấp cho Ukraine cùng kỳ năm ngoái.

Với trên 1 tỷ euro, nước nhận vũ khí xuất khẩu lớn thứ hai của Đức là Hungary, tiếp theo là Mỹ với 467 triệu euro.

Nhìn chung, trên 90% hàng vũ khí xuất khẩu được phê duyệt là sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc tới các "đối tác gần gũi" như Ukraine và Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.