Xuất nhập khẩu giảm, doanh nghiệp TP.HCM cần nhiều giải pháp hỗ trợ

Nửa đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa TP.HCM giảm mạnh và được dự báo sẽ khó phục hồi sớm, khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất nhập khẩu giảm, doanh nghiệp TP.HCM cần nhiều giải pháp hỗ trợ ảnh 1Người lao động làm việc trong xưởng sản xuất gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong quý 2 năm 2023, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự khởi sắc so với quý một.

Tuy nhiên, xét chung, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đều giảm mạnh và được dự báo sẽ khó phục hồi sớm, khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều chỉ số xuất, nhập khẩu giảm mạnh

Theo số liệu của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,42 tỷ USD, giảm 22,4% so cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong 6 tháng cũng giảm sâu 24,2% so cùng kỳ, ước đạt 25,55 tỷ USD.

Sư suy giảm này có nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao khiến người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

[Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm]

Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết xuất khẩu các mặt hàng thủy sản nửa đầu năm đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước tới hơn 37%; sản phẩm điện tử, linh kiện và máy vi tính giảm 31%; càphê giảm tới 30%.

Nửa đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu giảm sâu tới hơn 24%, cho thấy nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp giảm sút khá nhiều, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm gần 42%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 17%; vải các loại giảm hơn 10%.

Việc cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm khiến số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ 2022, ước đạt 64.242 tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát hội viên trong tháng 6 cho thấy có đến 30-50% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là ngành da giày, may mặc với doanh thu giảm từ 30-50%; sản xuất kinh doanh ngành gỗ giảm 31%; ngành cao su-nhựa giảm doanh thu 20%, giảm lao động 30% do đơn hàng giảm sâu.

Đặc biệt, ngành thép thể hiện sự khó khăn nhất khi có tới 95% số doanh nghiệp báo lỗ, doanh thu giảm từ 40-50% và hàng tồn kho ngày càng tăng lên, sức mua nội địa giảm.

Ít tín hiệu lạc quan, doanh nghiệp cần giải pháp hỗ trợ

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá nửa cuối năm nay, thị trường vẫn rất khó đoán định, nhưng có thể thấy tín hiệu lạc quan rất ít ỏi, khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc vay thêm vốn để nhập nguyên liệu hay sản xuất hàng hóa dự trữ.

Xuất nhập khẩu giảm, doanh nghiệp TP.HCM cần nhiều giải pháp hỗ trợ ảnh 2Khu công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo ông Phạm Bình An, thành phố cần triển khai hỗ trợ cho những ngành hàng gặp khó khăn, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ trong nước bằng các biện pháp như mở rộng tín dụng tiêu dùng, thiết lập không gian thương mại mới như kinh tế sông, kinh tế đêm…

Đặc biệt, trong các dịp lễ Tết, thành phố cần chỉ đạo những biện pháp đồng bộ giúp phục hồi du lịch, kích cầu mua sắm từ các du khách trong và ngoài nước như triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, lãi suất... Đồng thời đẩy mạng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp rút bớt thủ tục rườm rà, qua đó cắt giảm được những chi phí không cần thiết.

Bên cạnh đó Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp và có tác dụng thực tiễn, như hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, xúc tiến sang các thị trường mới, tham gia, tổ chứ các hội chợ, triển lãm.

Doanh nghiệp cũng phản ánh hiện này việc xác minh hóa đơn và nguồn gốc của hàng hóa bị chậm trễ ảnh hưởng đến việc hoàn thuế, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động.

Đối với chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng cuối năm (từ ngày 1/7 đến 31/12/2023), có một số ngành không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả tác động sâu vào nền kinh tế.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét để áp dụng thuế suất 8% và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024, đồng thời đề xuất nâng mức thu nhập tối thiểu chịu thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích tiêu dùng.

Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng đều ở mức trên 10%/năm, quá cao so với khả năng lợi nhuận của một số doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay về dưới 8%, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất tháo gỡ nhiều thủ tục liên quan đến thủ tục hành chính, như thủ tục cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp sử du ngj đất trong các khu công nghiệp, cùng nhiều thủ tục khác có thể được rút ngắn để doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện sản xuất kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.