Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon

Tại Hội thảo “Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU qua kênh Amazon,” tổ chức ngày 10/5, chuyên gia của Đức cho biết, xu thế hiện nay có tới 50% người sử dụng di động sử dụng kênh Amazon.
Kiểm tra thành phẩm sản phẩm áo sơ mi. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 10/5, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon.”

Tại hội thảo, hai chuyên gia dày dặn kinh nghiệm thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwarts GmbH của Cộng hòa Liên bang Đức là Andre M.Aslund và Ryan Ong đã chia sẻ và tư vấn tới các doanh nghiệp về xu hướng bán hàng trực tuyến qua trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon.

Ông Andre M. Aslund, Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty Vorwarts của Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, thống kê xu thế hiện nay có tới 76% người dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm qua kênh điện tử, 50% người sử dụng di động sử dụng kênh Amazon.

Hiện cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể bán hàng qua kênh Amazon rất lớn.

Theo ông Andre M. Aslund, chất lượng sản phẩm dệt may của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khách hàng EU.

Thông lệ cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp châu Á thường bán sản phẩm qua trung gian hoặc đại lý sang thị trường các nước EU.

Tuy nhiên, nếu thâm nhập được qua kênh Amazon thì có thể cắt giảm được khâu trung gian này. Từ đó, có thể cắt giảm được chi phí và nâng cao năng lực cạnh trạnh cho mặt hàng dệt may Việt Nam đối với thị trường EU.

[Chủ tịch Vitas: Xuất khẩu dệt may năm nay sẽ tăng trưởng 13-14%]

Hiện có rất nhiều thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trước đây họ mua hàng dựa trên uy tín của thương hiệu; cảm nhận đó là ưu thế để bán hàng được vào thị trường EU.

Nhưng, gần đây hành vi của người tiêu dùng thay đổi, thay vì họ căn cứ trên độ uy tín thương hiệu sản phẩm thì hiện nay họ có niềm tin vào sản phẩm qua nhiều công cụ khác nhau như đánh giá về sản phẩm, mô tả về sản phẩm hoặc những sếp hạng của sản phẩm qua người dùng khác.

Với những thay đổi đó của người tiêu dùng, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc xây dựng cung cấp thông tin chất lượng những sản phẩm với thiết kế đẹp, bắt mắt trên kênh điện tử, nhờ đó tạo ra những đánh giá về sản phẩm tốt từ người tiêu dùng. Dựa vào những đánh giá đó, người tiêu dùng EU sẵn sàng mua sản phẩm.

Ông Andre M. Aslund cũng lưu ý tới một số thách thức mà doanh nghiệp cần lưu ý khi bán hàng qua kênh Amazon. Đó là muốn bán được sản phẩm sang thị trường EU, trước tiên doanh nghiệp cần tuân thủ các khuôn khổ thị trường EU.

Đầu tiên doanh nghiệp tuân thủ đến các chính sách về thuế. Bên cạnh đó là thỏa mãn nhu cầu khách hàng bằng nhiều công cụ khác nhau, chất lượng thiết kế và mẫu mã sản phẩm… Nếu làm hài lòng khách hàng thì họ sẽ giới thiệu sản phẩm của Việt Nam cho khách hàng khác và như vậy sẽ tạo một hiệu ứng lan tỏa.

Bà Lê Thị Nhật Linh, Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ban Mai của tỉnh Hưng Yên chia sẻ, thông qua hội thảo, doanh nghiệp sẽ biết được những xu hướng thói quen của người tiêu dùng qua các nước để có những phương án tốt hơn trong việc bán hàng trực tiếp qua kênh Amazon giúp doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục