Trào lưu hàng hóa Nhật Bản và cơ hội của doanh nghiệp Việt

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng tới việc sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng cao; trong đó hàng hóa, thực phẩm của Nhật Bản được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hiện nay.
Trào lưu hàng hóa Nhật Bản và cơ hội của doanh nghiệp Việt ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng tới việc sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng cao; trong đó hàng hóa, thực phẩm của Nhật Bản được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hiện nay.

Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn là động lực phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trào lưu tiêu dùng hàng Nhật Bản

Hàng tiêu dùng và thực phẩm Nhật Bản đang ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để nhận thấy các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng Nhật Bản như AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho mọc lên ngày càng nhiều.

Ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc phòng thực phẩm, nông lâm thủy sản của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng yêu thích và có xu hướng sử dụng nhiều hơn các món ăn của Nhật Bản.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường kinh doanh thực phẩm tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là mặt hàng thủy hải sản.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thủy hải sản của Nhật Bản cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Katsuya Uchida, đại diện công ty Kyokuyo cho biết, Việt Nam hiện đang chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của công ty. Trong đó, cá hồi và cá ngừ là hai sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ là thị trường trọng tâm tại khu vực châu Á của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản.

Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, quản lý bán hàng Công ty Starmark cho biết, không chỉ có các món ăn chế biến sẵn mà thực phẩm tươi sống của Nhật Bản cũng được nhiều người Việt ưa chuộng. Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Nhật của công ty như thịt bò Kobe, trứng cá, lươn đang bán khá chạy. Hầu hết khách hàng đều có phản hồi tốt và tiếp tục đặt hàng.

[Hàng Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam nhờ “đội lốt” hàng Nhật]

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùngViệt Nam hiện nay đã sẵn sàng chi nhiều tiền cho thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Chỉ tính riêng doanh số mặt hàng rau an toàn tại các siêu thị Nhật Bản đặt tại Việt Nam mỗi năm đã tăng hơn 200%, và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam cũng có xu hướng phát triển nhanh trong thời gian ngắn.

Không chỉ có thực phẩm mà hàng tiêu dùng, đặc biệt là mỹ phẩm Nhật Bản cũng đang được nhiều người Việt Nam yêu thích. Chị Lê Thị Hương, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chị rất thích sử dụng các sản phẩm chăm sóc da của Nhật Bản vì chất lượng tốt và độ an toàn cao.

Trước đây chị thường nhờ người thân xách tay từ Nhật về, hiện nay các sản phẩm này đã được bày bán ở các siêu thị Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh và được rất nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Còn theo các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ với khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi và thu nhập của người dân mỗi lúc một cải thiện nên nhu cầu chi tiêu sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt là những người trẻ. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm và bán lẻ.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng hóa, thực phẩm Nhật Bản không chỉ là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn là động lực phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng hóa Nhật Bản cùng với xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, ẩm thực của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, khi xâm nhập thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản có xu hướng Việt hóa một số tiêu chí của sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người Việt. Mặt khác, để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, doanh nghiệp Nhật Bản cũng tích cực tìm kiếm các đối tác có khả năng cung ứng nguyên, vật liệu ngay tại Việt Nam.

Là một trong những hệ thống siêu thị Nhật Bản lớn nhất có mặt tại Việt Nam, chính sách hàng hóa của Aeon tại thị trường Việt Nam là dành 80% cho hàng Việt, 20% còn lại là hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và các quốc gia khác.

Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, các nhà phân phối, bán lẻ Nhật Bản luôn mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phải chăng từ các nhà cung cấp, nhà sản xuất uy tín của Việt Nam.

Theo đại diện Aeon Việt Nam, sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp bán lẻ của Nhật là cơ hội rất tốt cho các sản phẩm uy tín của Việt Nam len lỏi vào hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ quy mô lớn.

Các hệ thống phân phối, bán lẻ của Nhật Bản không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tạo điều kiện để sản phẩm Việt Nam vươn mình ra thị trường Nhật Bản và khẳng định thương hiệu ở các nước khác.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào các hệ thống phân phối, bán lẻ của Nhật Bản, hàng hóa cần phải có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng theo đúng quy định của pháp luật cũng như những tiêu chuẩn chất lượng của từng siêu thị.

Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Nhật Bản, bà Lê Vân Mây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lotus chia sẻ, hơn 20 năm hợp tác với Nhật Bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng, phần lớn các sản phẩm của công ty đều xuất khẩu.

Gần đây, khi người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng yêu thích hàng hóa, thực phẩm Nhật Bản, Lotus đã bắt đầu phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Hiện nay, có khoảng 30% sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ và nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam. Mặt khác, Lotus cũng đang phân phối khoảng 500 sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản tại Việt Nam.

Kinh nghiệm của Tập đoàn Lotus khi hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm là tập trung sản xuất sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng, theo tiêu chuẩn và yêu cầu đối tác đặt ra.

Theo bà Lê Vân Mây, người tiêu dùng Việt Nam chú ý và lựa chọn các sản phẩm của Nhật Bản không phải chỉ vì tâm lý “sính ngoại” mà bởi tin tưởng vào uy tín và chất lượng của các thương hiệu Nhật Bản. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận đó là cơ hội và động lực để tự cải thiện, nâng cao chất lượng cho sản phẩm của mình, kể cả sản phẩm tiêu thụ trong nước.

Các chuyên gia cho rằng, các xu hướng, trào lưu tiêu dùng mới nói chung, sự ưa chuộng sản phẩm Nhật Bản hiện nay nói riêng đều mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng tới việc sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nhiều quốc gia trên thế giới để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như dễ dàng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.