Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, để khơi thông, thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản, thời gian tới Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng để cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Thành, Quảng Ninh sẽ gấp rút, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch Hạ Long-Hải Phòng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016, để nối vào tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; đồng thời khẩn trương hoàn thành tuyến đường kết nối Trới-Vũ Oai Quốc lộ 18 qua Khu công nghiệp Việt Hưng, nơi dự kiến xây dựng các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản.
Cùng với đó, Quảng Ninh sẽ yêu cầu các nhà đầu tư hạ tầng khẩn trương hoàn thành các hạng mục hạ tầng-kỹ thuật ở các Khu công nghiệp Đông Mai (Uông Bí) và Việt Hưng (thành phố Hạ Long); nghiên cứu các cơ chế chính sách ưu đãi nhất để thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản vào địa bàn tỉnh.
Ông Trần Như Long, Trưởng Ban xúc tiến đầu tư Quảng Ninh, cho hay Quảng Ninh sẽ chủ động cung cấp mọi thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, các cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh cho các đơn vị báo chí, truyền thông uy tín của Nhật Bản như Nhật báo Nikkei, hãng thông tấn JiJi Express...; thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến môi trường đầu tư của tỉnh trên website của Ban xúc tiến đầu tư Quảng Ninh và mở đường dẫn liên kết với các công thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương có liên quan để thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản tra cứu, tìm hiểu thông tin chuyên sâu.
Quảng Ninh cũng chủ động thường xuyên tổ chức giao ban với các Văn phòng xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Nhật Bản, các chi nhánh đại diện cho hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội), đưa gợi ý Quảng Ninh nên tập trung gọi mời các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, đặc biệt tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có kế hoạch nghiên cứu mở rộng hoạt động của mình tại các địa phương khác của Việt Nam.
Trưởng Văn phòng JETRO Hà Nội đề xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn được thuê sẵn nhà xưởng tại các khu công nghiệp hơn là tự họ đầu tư xây dựng. Hơn nữa, nhà đầu tư Nhật Bản cũng cần có các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện quốc tế và nhà hàng Nhật Bản ở nơi họ đến đầu tư kinh doanh.
Quảng Ninh đang gấp rút triển khai đề án đưa khoảng 20 sinh viên (đã tốt nghiệp đại học, có độ tuổi từ 22-28) sang Nhật để đào tạo tiếng Nhật. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh phối hợp với JICA Việt Nam và làm việc với Bộ Giáo dục-Đào tạo để đề xuất tham gia chương trình đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở cấp học phổ thông trên địa bàn nhằm tạo nguồn nhân lực tốt đáp ứng nhu của các nhà đầu tư Nhật Bản. Với công tác chuẩn bị trên, Quảng Ninh đang nỗ lực tạo được một môi trường đầu tư thuận lợi nhất nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh, biến tiềm năng trở thành hiện thực trong tương lai gần nhất.
Mặc dù từ năm 2014, Quảng Ninh đã chủ động thành lập Hội đồng cố vấn Quảng Ninh và Nhật Bản nhằm tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác thu hút đầu tư của Nhật bản vào tỉnh Quảng Ninh. Dưới sự hỗ trợ của Hội đồng cố vấn này, năm 2014, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn đại biểu của chính quyền, doanh nghiệp Nhật Bản sang làm việc, tìm hiểu về môi trường đầu tư ở tỉnh này.
Đặc biệt, tháng Ba năm nay, Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và thiết bị ôtô ở Khu công nghiệp Đông Mai (Uông Bí) của Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yazaki Hải Phòng-Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 35 triệu USD đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước tiến quan trọng trong đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh.
Dù được nhiều đối tác Nhật Bản đánh giá cao về sự linh động, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, song thực tế nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Quảng Ninh còn ở mức khiêm tốn. Hiện tổng vốn đăng ký đầu tư nước này là hơn 44 triệu USD của năm dự án, đứng ở vị trí thứ chín trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại đây./.