Trong khuôn khổ Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2024 diễn ra chiều ngày 10/4 tại Hà Nội, Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu cho biết Việt Nam Expo in Hollywood - chương trình xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh tại Hoa Kỳ sẽ là điểm nhấn của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam năm 2024.
Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh
Ông Hà Văn Siêu thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố công tác xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức 3 hội chợ du lịch quốc tế: VITM London vào tháng 11; Hội chợ CITM Trung Quốc tháng 11; Hội chợ tại ASEAN – Trung Quốc tháng 11.
Bên cạnh đó là chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN, Ấn Độ…; chương trình xúc tiến Lễ hội Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc; tổ chức 10 famtrip/presstrip tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Đặc biệt nhất và cũng là điểm nhấn của chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch 2024 thông qua điện ảnh được tổ chức tại Hoa Kỳ - Việt Nam Expo in Hollywood.
Dự kiến tổ chức vào tháng 9/2024, Việt Nam Expo in Hollywood do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, Indochina Productions Hoa Kỳ thực hiện, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Oxalis Adventure phối hợp tổ chức.
Tổng Giám đốc Oxalis Adventure, ông Nguyễn Châu Á chia sẻ chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thông qua điện ảnh nhằm mang những hình ảnh ấn tượng, cảnh quan đa dạng của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu, thông qua đó khơi dậy sự quan tâm và mong muốn được tận mắt trải nghiệm những điểm đến của Việt Nam.
Kinh phí tổ chức 1 ngày Expo dự kiến khoảng 10 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí thiết kế, lắp đặt gian hàng). Đây là nguồn kinh phí xã hội hoá 100%. Theo đó, sẽ có khoảng 200 nhà sản xuất, đạo diễn phim được mời tham gia như: đạo diễn phim “Kong: Skull Island” - Jordan Vogt-Roberts, nhà sản xuất phim và giám đốc sản xuất Eric Mcleod, cùng các ngôi sao Hollywood, các nhà sản xuất như Amazon, Netflix…
Sự kiện mở cửa tự do cho khách tham quan khoảng 20 gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp và gian hàng giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt Nam (miễn phí cho khách tham quan).
“Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch này sẽ bao gồm các hoạt động như triển lãm về điện ảnh, du lịch Việt Nam; giới thiệu tiềm năng bối cảnh điện ảnh và chính sách của Việt Nam đối với hoạt động điện ảnh quốc tế tại Việt Nam. Đây sẽ là hoạt động để kết nối các nhà làm phim có thể ký kết với Việt Nam, làm phim tại Việt Nam,” ông Nguyễn Châu Á cho hay.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các Sở Du lịch địa phương cùng nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình ủng hộ chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thông qua điện ảnh này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Quảng bá ấn tượng để không bị… lãng quên
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hồ An Phong cho rằng hậu đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch đã có nhiều biến động. Do đó, ngành du lịch cũng phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận, thay đổi thị trường trong công tác quảng bá, xúc tiến.
“Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như một dòng chảy không ngừng. Do đó, hoạt động này cần phải được thực hiện một cách kiên trì, liên tục, thường xuyên, và phải làm thật ấn tượng thì thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam mới không bị lãng quên”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Đánh giá thực tế triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay, Thứ trưởng thừa nhận “nguồn lực có hạn nên hiệu quả chưa như mong đợi.” Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn huy động xã hội hóa, đặc biệt là sự hợp sức của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đưa các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch có điểm nhấn mang tầm quốc gia.
Theo ông Hà Văn Siêu, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch; giá dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn; các xu hướng mới của thị trường; công nghệ đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, theo lãnh đạo ngành du lịch, khó khăn còn ở chỗ: cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế giải ngân kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa khơi thông; cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp chưa hiệu quả; ngành du lịch chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài…
Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt?
Trước những thách thức này, nhiều lãnh đạo Sở Du lịch địa phương cùng đồng tình việc cần phải tập hợp sức mạnh chung. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh rằng “muốn đi xa, phải đi cùng nhau.” Do đó, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vì hoạt động riêng lẻ; cần tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những cảnh quan đẹp của Việt Nam vào các câu chuyện, nội dung phim để tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn cho điểm đến.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với từng địa phương, đẩy mạnh kết nối tới các địa bàn trọng điểm, tổ chức “Ngày Việt Nam” tại nước ngoài và có hướng dẫn cụ thể để phân loại, điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch. Đồng thời, xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, phối hợp với các đơn vị truyền thông quốc tế, đưa các hoạt động, điểm đến của địa phương đến với thế giới.
Để giải quyết những khó khăn trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến Du lịch Số. Trong đó, cần sử dụng hiệu quả các công cụ; marketing nội dung như xây dựng và phân phối nội dung hấp dẫn, gắn với các giá trị thương hiệu như ý tưởng, câu chuyện, bài viết PR, video/MV, hình ảnh, blog, infographic…; thúc đẩy hợp tác với các nền tảng booking trực tuyến (OTA).
“Các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm; tập trung triển khai theo chiến dịch…; đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường, kết hợp và tối ưu hóa giữa các hình thức marketing truyền thông tích hợp, giữa các hình thức trực tuyến và trực tiếp. Và cuối cùng là giải pháp huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch,” ông Siêu nói./.
Về các thị trường ưu tiên quảng bá, xúc tiến trong năm 2024, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất… là những thị trường tiềm năng cần hướng tới.