Ý kiến trái chiều về khả năng dỡ bỏ thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc

Quan chức của Mỹ và Trung Quốc ngày 7/11 cho biết hai bên đã nhất trí dỡ bỏ các khoản thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” nếu thỏa thuận này được hoàn tất.
Ý kiến trái chiều về khả năng dỡ bỏ thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Các quan chức của cả Mỹ và Trung Quốc ngày 7/11 cho biết hai bên đã nhất trí dỡ bỏ các khoản thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” nếu thỏa thuận này được hoàn tất.

Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết: “Trong hai tuần qua, lãnh đạo của hai bên đã tiến hành một cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng về việc giải quyết hợp lý mối quan tâm của cả hai bên và đồng ý hủy bỏ thuế quan theo các giai đoạn phù hợp với sự tiến triển của thỏa thuận."

Tuy nhiên, ông Cao Phong chưa đưa ra mức thuế quan cụ thể mà hai bên sẽ dỡ bỏ.

Quan chức này nói rằng dỡ bỏ thuế là một điều kiện quan trọng cho bất kỳ thỏa thuận nào, đồng thời cho rằng hai bên phải đồng thời hủy bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau để có thể đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1."

Một quan chức giấu tên của Mỹ xác nhận việc dỡ bỏ thuế sẽ là một phần trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại vẫn đang được soạn thảo để lãnh đạo hai nước ký kết.

[Nhà Trắng lạc quan về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc]

Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 7/11, Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết: "Tôi không thể nói trước về các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhưng chúng tôi rất lạc quan rằng chúng tôi có thể sớm đạt thỏa thuận."

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Fox Business Network, Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro lại khẳng định: "Không có một thỏa thuận nào tại thời điểm này để dỡ bỏ các mức thuế hiện hành như một điều kiện của thỏa thuận giai đoạn 1." Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo thỏa thuận vẫn có thể đổ vỡ như các vòng đàm phán trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng thuế đánh vào hàng tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc như thứ “vũ khí” chủ yếu của mình trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Khả năng dỡ bỏ chúng, kể cả là theo từng giai đoạn, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chuyên gia cố vấn trong và ngoài Nhà Trắng do lo ngại mất đi một “lá bài” chủ chốt.

Các nghị sỹ Cộng hòa đang hối thúc Tổng thống Trump nên dỡ bỏ thuế từng bước theo mức độ tuân thủ thỏa thuận của Bắc Kinh.

Nếu một thỏa thuận tạm thời được hoàn tất và ký kết, thỏa thuận này được dự đoán sẽ bao gồm cam kết của Mỹ hủy bỏ mức thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 đối với khoảng 156 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, bao gồm điện thoại di động, máy tính cá nhân và đồ chơi.

Trước đó, một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng các nhà đàm phán của Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ mức thuế 15% đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa của Mỹ có hiệu lực vào ngày 1/9 vừa qua.

Bắc Kinh cũng muốn “thoát” khỏi mức thuế 25% trước đó đối với 259 tỷ USD hàng hóa của nước này, từ máy móc và các sản phẩm bán dẫn đến đồ nội thất.

Mặc dù thỏa thuận "giai đoạn 1" vẫn chưa được ký kết và vẫn có khả năng đổ vỡ, tuy nhiên cam kết trên của hai bên được coi là một bước tiến quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho thấy hai bên đang tiến gần hơn tới 1 thỏa thuận.

Trong một diễn biến tích cực khác, hãng Tân hoa xã ngày 7/11 đưa tin cơ quan hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với việc nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ.

Trung Quốc đã cấm toàn bộ sản phẩm trứng và gia cầm của Mỹ kể từ tháng 1/2015 do sự bùng phát dịch cúm gia cầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.