Nói đến tôm chiên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến món ăn quen thuộc từ loài động vật giáp xác sống dưới nước. Thế nhưng, nếu có dịp lên Suối Giàng - xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thực khách sẽ được thưởng thức món tôm chiên đặc biệt mà ít nơi nào có được.
Sở dĩ món tôm chiên ở Suối Giàng nghe quen mà lạ là bởi "tôm" ở đây không phải là một loài động vật như chúng ta thường thấy mà là phần tôm trắng của búp chè Shan Tuyết cổ thụ - đặc sản của vùng đất Suối Giàng.
Theo một đầu bếp của Không gian trà Suối Giàng, sau khi pha bột xong, anh sẽ trộn những tôm chè này vào bột và đem chiên giòn.
Món "tôm chiên" khi thưởng thức có vị rất lạ, hơi chan chát nhưng lại ngọt ngay nơi cuống họng. Cùng với đó, vị đậm bùi, giòn tan của bột cũng mang lại một cảm giác rất khó quên khi thưởng thức.
Chị Bùi Khánh Ly, một du khách từ Hà Nội, cho biết mới đầu khi biết thực đơn có món tôm chiên, chị nghĩ ngay đến tôm suối chiên giòn. Nhưng khi ăn, biết "món tôm" làm từ búp chè, chị rất ngạc nhiên.
"Đúng là chỉ có lên Suối Giàng mình mới biết đến món ăn này," chị bộc bạch.
Ngoài món "tôm chiên" từ lá chè Shan tuyết, các đầu bếp còn có thể biến tấu lá chè thành rất nhiều món ăn hấp dẫn khác như: gà đen hấp lá chè, thịt lợn bản địa hấp lá chè, thịt nướng lá chè, thịt trâu nướng cuốn lá chè…
[Đến Mường Lò, thưởng thức 'pa pỉnh tộp' và 'tôm bay' của người Thái]
Ai đã từng được ăn các món ăn được chế biến từ búp chè Shan tuyết Suối Giàng đều có cảm giác rất thú vị, bởi lá chè có vị thanh mát, chát nhẹ xong lại có độ ngọt thanh dễ chịu.
Không chỉ có các món ăn độc đáo, đến với Suối Giàng, du khách sẽ được thưởng thức chén trà nóng của cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được hòa mình vào không gian giữa đỉnh núi hoang sơ, mây giăng, sương phủ để nhâm nhi hương vị tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản và cảm nhận rõ nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Tại Không gian trà Suối Giàng, ngoài thưởng thức các món ẩm thực đặc biệt chế biến từ lá của cây chè cổ thụ, du khách có thể nhâm nhi chén trà, nghe những câu chuyện xoay quanh thứ chè đặc sản, từ khâu chế biến cho đến cách pha, cách thưởng thức...
Nhấp từng ngụm trà thoang thoảng mùi hương ngọt dịu hòa quyện trong không gian réo rắt tiếng sáo Mông thực sự là khoảnh khắc yên bình khó quên.
Khi uống trà hay thưởng thức những món ăn từ lá chè, du khách không chỉ thấy được vị ngon mà còn cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc được thổi hồn vào từng sản phẩm.
“Giá trị sản phẩm của Trà Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống, mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh tuý của đất, của người Mông nơi đây, cho nên càng uống càng đắm, càng ngấm càng say cái hương cái tình, cái hồn núi rừng Suối Giàng, Yên Bái…," anh Đào Đức Hiếu - người đã thiết kế, xây dựng Không gian văn hóa trà Suối Giàng với mong muốn mang thương hiệu chè Suối Giàng bay xa, chia sẻ.
Theo anh Hiếu, đồng bào Mông ở Suối Giàng coi chè Shan Tuyết cổ thụ không đơn thuần là một loại thức uống mà đó còn là bài thuốc quý, giúp họ xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả.
Chè Suối Giàng không cao về năng suất, không nhiều về sản lượng nhưng sản phẩm chè đã được khai thác, chăm sóc, nâng niu và trở thành thức quà quý để dành tặng cho những bạn thân quý nhất.
Với chè Suối Giàng, mỗi sản phẩm không chỉ có giá trị về dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn hàm chứa thông điệp về giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào Mông - những người đã chăm chút, nâng niu để tạo ra sản phẩm chè Suối Giàng nức tiếng gần xa.
Không chỉ riêng chè Suối Giàng, Yên Bái đang hướng đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ ở góc độ sản lượng hay sản vật thông thường mà tiếp cận ở góc độ văn hóa, nhất là văn hóa mang tính chất cộng đồng, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số./.