Đến Mường Lò, thưởng thức 'pa pỉnh tộp' và 'tôm bay' của người Thái

Trên mâm cỗ của người Thái ở Mường Lò (Yên Bái), ngoài "pa pỉnh tộp” và "tôm bay" còn có gà đen bản địa, xôi ngũ sắc nấu từ đặc sản nếp Tú Lệ... tất cả đều khiến du khách say lòng.
Đến Mường Lò, thưởng thức 'pa pỉnh tộp' và 'tôm bay' của người Thái ảnh 1Món 'pa pỉnh tộp.' (Nguồn: Vietnam+)

Đến với vùng đất Mường Lò, thuộc thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (cách thành phố Yên Bái 80km về phía Tây), du khách không chỉ được chìm vào vẻ đẹp thanh bình, êm ả của vựa lúa rộng thứ hai của vùng Tây Bắc mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc, được chế biến bởi đôi bàn tay khéo léo của những người dân tộc Thái, trong đó phải kể đến "pa pỉnh tộp" và “tôm bay."

"Pa pỉnh tộp” là cách gọi của người Thái dành cho món cá nướng. Theo chủ một homestay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, để làm được món này ngon, phải chọn được cá rô phi hoặc cá chép ngon, nặng từ 1,5-2kg, sau đó rửa sạch, đánh vảy, bỏ vây...

Điểm đặc biệt là cá làm "pa pỉnh tộp" phải mổ lưng chứ không mổ bụng để dễ dàng gấp đôi con cá lại, cho vào vỉ nướng, dao mổ cá cũng phải thật sắc, vết mổ thật gọn, và phải khía một số đường song song trên mình cá.

Chế biến “pa pỉnh tộp” thì không thể thiếu rau pắc nam - một gia vị đặc trưng của vùng đất Mường Lò cùng với hạt sẻn để cá thơm, hết mùi tanh.

Một số gia vị khác như hành lá, húng chó, sả, gừng, ớt, thì là.... được băm nhỏ, trộn lẫn xát đều lên mình cá, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.

Khi đã sơ chế xong, người đầu bếp phải ướp cá với gia vị khoảng 20 phút rồi đem nướng trên bếp than hoa. Để món ăn thơm ngon, lửa than phải đều và nhỏ. Nếu lửa to thì cá sẽ cháy nhưng nếu non lửa thì cá sẽ khó chín và có mùi tanh. Thời gian nướng cá khoảng 30-40 phút và phải lật thường xuyên để cá chín vàng đều cả hai mặt. Khâu nướng cá là khâu quan trọng nhất để có được món "pa pỉnh tộp" thơm ngon.

[Gỏi tôm sông Đà: Món ăn độc đáo của người Thái tại Sơn La]

Cùng với "pa pỉnh tộp,", "tôm bay" cũng là một món ăn độc đáo trong thực đơn đãi khách của người Thái ở Mường Lò. Thực chất đây là món châu chấu chiên giòn.

Châu chấu vốn là loài côn trùng thường kéo nhau phá hoại mùa màng mỗi dịp lúa chín nhưng nay đã trở thành đặc sản, không thể thiếu trong thực đơn đãi khách của người Thái Mường Lò.

Cách chế biến món này cũng khá đơn giản, tuy nhiên, để có món "tôm bay" thơm ngon, giòn rụm thì sau khi vặt cánh, rút ruột, người chế biến cần cho châu chấu vào đun qua nước măng chua để giảm vị tanh, tăng thêm độ chua, ngọt, độ ngậy, sau đó đổ ra một chiếc rổ nhỏ để cho ráo nước.

Sau khi mỡ sôi xèo xèo trong chảo mới được đổ châu chấu vào, đảo nhanh và đều tay. Khi châu chấu ngả sang màu vàng cánh gián, người chế biến mới cho các loại gia vị như: ớt, hạt tiêu, hạt sẻn vào rổi đảo tiếp, đến khi châu chấu thơm giòn thì thêm ít lá chanh thái nhỏ. Lúc này, món ăn vừa dậy mùi thơm, vừa giòn tan, béo béo, bùi bùi đậm đà hương vị.

Đến Mường Lò, thưởng thức 'pa pỉnh tộp' và 'tôm bay' của người Thái ảnh 2Món 'tôm bay.' (Nguồn: Vietnam+)

Trên mâm cỗ của người Thái ở Mường Lò, ngoài "pa pỉnh tộp” và "tôm bay" còn có gà đen bản địa, xôi ngũ sắc nấu từ đặc sản nếp Tú Lệ... tất cả đều khiến du khách say lòng.

Anh Nguyễn Ngọc Duy, du khách đến từ Hà Nam, chia sẻ: “Cá nướng ngon và rất thơm, hòa quyện đủ các vị thơm nhờ sự pha trộn tinh tế các loại gia vị mà vẫn giữ được vị ngon của cá. Trong khi đó, "tôm bay” vừa giòn tan, vừa ngậy, rất khác với món châu chấu rang mà tôi đã từng ăn."

Chị Lê Vũ Hà - một du khách từ Hà Nội chia sẻ: "Đến với vùng đất Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng, nước trong, tôi thực sự ấn tượng với những món ăn đặc sắc nơi đây. Tôi cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và cả những nét văn hóa đặc trưng mà người dân địa phương đã chăm chút gửi vào từng món ăn. Nhất định khi có dịp, tôi sẽ trở lại nơi này để không chỉ thưởng thức những món ăn ngon mà còn hòa mình trong điệu xòe bất tận được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại."

Cùng với văn hóa ẩm thực, ấn tượng về mảnh đất Mường Lò với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, giàu tiềm năng du lịch cùng những con người mộc mạc, hồn hậu đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách gần xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)