Sau trận lũ kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 20/7, nhiều thôn, bản ở một số xã thuộc huyện miền núi Văn Yên (Yên Bái) vẫn ngổn ngang đất đá và cây cối, nhiều ngôi nhà bị san phẳng, hoa màu và tài sản bị lũ cuốn sạch, nhiều công trình bị nhấn chìm trong bùn đất…
Sớm khắc phục các tuyến đường giao thông
Vượt chặng đường hơn 60km từ trung tâm huyện, với một bên nhìn xuống là dòng suối nước chảy cuồn cuộn, một bên là những vách núi dựng đứng trơ ra những tảng đá khổng lồ như chỉ trực chờ lăn xuống đè bẹp chiếc xe 7 chỗ được huyện bố trí, sau khoảng hơn 2 giờ xe chạy, chúng tôi đã có mặt tại xã Phong Dụ Hạ, một xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Văn Yên.
Làm việc với lãnh đạo xã Phong Dụ Hạ, Chủ tịch xã Lê Văn Thọ cho biết trên địa bàn xã tuy không có thương vong về người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn, toàn xã có 59 ngôi nhà bị ngập lụt, 6 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Gần 20ha diện tích lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập và gần như mất trắng. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, đường điện bị lũ cuốn và đánh sập...
Đặc biệt, cầu trung tâm xã bị lũ cuốn trôi khiến 6/9 thôn trong xã đang bị cô lập.
Dẫn chúng tôi tới nơi cây cầu bị lũ cuốn giờ chỉ còn sót lại vài mấu sắt xiêu vẹo và bẹp dúm hai bên đầu cầu, Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Hạ, ông Hà Cơ Yếu cho biết thêm, cây cầu này được xây dựng từ những năm 1971, đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải gia cố, sửa chữa.
Trước khi bị lũ cuốn, cây cầu là tuyến đường gần nhất để hơn 600 hộ dân sống bên kia suối di chuyển sang trung tâm xã, giờ muốn sang trung tâm xã, các hộ dân này phải đi vòng lên cầu treo của xã trên, cả đi và về là 25km.
Bí thư Hà Cơ Yếu lo lắng: “Giờ không còn cây cầu này thì chỉ khoảng gần 1 tháng nữa là đến thời gian nhập học, không biết gần 700 cháu học sinh các bậc học ở các thôn đang bị chia cắt làm cách nào đến trường hay nghỉ học hết. Mong muốn lớn nhất của xã bây giờ là được cấp trên đầu tư, xây dựng sớm cây cầu mới mà theo ước tính của chúng tôi hết khoảng 4 tỷ đồng.”
Chị Lương Thị Phương, nhà ở ngay sát cây cầu bị lũ cuốn, chia sẻ thêm, nhà chị và một số hộ dân ngay sát cầu cũng bị lũ quét qua, cả nửa nền nhà bị sạt lở nặng, có nguy cơ đổ ụp xuống dưới dòng suối. Chị bảo nhà chị đông con, sống chỉ đủ ăn, mong muốn nhà nước quan tâm, sớm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa.
Rời xã Phong Dụ Hạ, chúng tôi tiếp tục di chuyển lên xã Phong Dụ Thượng, một xã cũng chịu thiệt hại nặng nề về nhà cửa và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thượng Phi cho biết, toàn xã có 16 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn hoàn, 7 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, số hộ gia đình phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm là 40 hộ, số hộ cần đất tái định cư là 32 hộ, ngoài ra thiệt hại về nông nghiệp và các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi là rất lớn...
Hiện tại, giao thông đi lại tại một số thôn bản về trung tâm xã rất khó khăn, một số cây cầu và nhiều ngầm bị lũ cuốn trôi, nhiều diện tích ruộng bị bồi lấp và cuốn trôi hoàn toàn, trước mắt, xã sẽ tập trung khôi phục lại sản xuất cho nhân dân.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân di dời khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở, ổn định đời sống nhân dân, tham mưu với huyện cấp đất xây dựng khu tái định cư.
Đối với các hộ nhà bị sập trôi hoàn toàn và không có gạo ăn đã nhận được sự hỗ trợ bước đầu của tỉnh và huyện về kinh phí, trước mắt là cấp cho mỗi khẩu 15kg gạo trong vòng hai tháng và hỗ trợ mỗi hộ 25 triệu.
Giải pháp trước mắt của xã là huy động các lực lượng tại thôn bản khắc phục tuyến đường để người dân đi lại từ thôn, bản tới trung tâm xã, sau đó sẽ khắc phục các tuyến đường tiếp theo. Về nông nghiệp, đối với diện tích ruộng bị bồi lắp, cuốn trôi sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ổn định sản xuất.
[Yên Bái: Những nỗi đau tột cùng nơi rốn lũ Sơn Lương ở Văn Chấn]
Giúp người dân ổn định cuộc sống
Từ trụ sở xã Phong Dụ Thượng, chúng tôi được một số cán bộ xã chở bằng xe máy và dẫn đi bộ gần 2km để vào thôn 9. Tận mắt nhìn cảnh hoang tàn nơi đây mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ.
Anh La Tiến Sâm, một người dân thôn 9 kể lại: “Lúc đó, tôi đang ngủ thì được vợ tôi đánh thức tôi vì nghe thấy tiếng nước lũ ầm ầm đổ về, tôi vội chạy ra sân sau chuyển máy giặt vào nhà trước sau đó vào đánh thức người con dâu và cháu nội đang ngủ. Khi mở cửa đằng trước thì thấy nước tràn vào sân nhà hết rồi. Tôi vội đưa người con dâu và cháu nhỏ sang bên nhà sàn phía trên, vợ tôi cũng chạy lên đó. Tôi quay lại bảo hai con trai chuyển xe máy vào trong nhà rồi bảo cả hai trèo lên mái nhà để bố đóng cửa nhưng lúc đó đóng cửa không nổi nữa, kéo cửa sắt lại bị nước cuốn tuột ra. Tôi xác định lúc đó là chết, con tôi lên mái nhà rồi tôi cũng trèo lên sau. Lên mái nhà ba bố con cứ ngồi ôm nhau khóc. Lúc nhà sập đổ ba bố con trèo lên cột điện, cứ đứng đấy từ 2 giờ đến 5 giờ sáng khi lũ rút xuống mới tụt xuống và chạy lên đồi. May mắn, khi nước lũ rút, đến hơn 6 giờ thì thấy ba mẹ con sang được.”
Trận lũ dữ đã cuốn sạch ngôi nhà anh La Tiến Sâm, tất cả tài sản, máy xay xát và đàn lợn 27 con cũng bị trôi sạch.
Anh cho biết, thiệt hại khoảng 400-500 triệu, tiền mặt trong nhà dự trữ lúc đó khoảng 63 triệu và hơn 1 triệu đồng anh để trong túi áo để đi lại hàng ngày cũng theo dòng lũ dữ cuốn đi.
Hiện tại, nhà anh và các hộ gia đình khác đang ở tạm trong điểm trường và nhà văn hóa của thôn, một số hộ thì ở trong các lều bạt được Ban Chỉ huy quân sự huyện dựng lên.
Huyện hỗ trợ gia đình anh 5 triệu, tỉnh hỗ trợ thêm 20 triệu. Anh và mọi người trong thôn cũng được hỗ trợ thêm mỳ tôm và gạo để nấu ăn.
Anh mong muốn trong thời gian tới được nhà nước quan tâm, hỗ trợ thêm và bố trí nơi ở mới cho gia đình anh và các hộ trong thôn có nhà bị sập trôi hoàn toàn do mưa lũ.
Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Yên cho biết, đợt mưa lũ vừa qua khiến huyện bị thiệt hại rất nặng nề, mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 212 ngôi nhà bị hư hỏng và thiệt hại nặng trong đó: 13 nhà bị lũ cuốn trôi, 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 158 nhà có nguy cơ ngập úng, sạt lở phải di dời, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh khó khăn do mất nhà cửa, tài sản, máy móc sản xuất nông nghiệp.
Các công trình công cộng như cầu, cống, đường giao thông, công trình thủy lợi cùng với gia súc, gia cầm; 650ha lúa, ngô và hoa màu bị ảnh hưởng… Ước thiệt hại khoảng 42 tỷ đồng.
Hiện đoàn công tác của huyện đang chỉ đạo, rà soát lại tất cả các diện tích bị thiệt hại, các công trình giao thông, công trình thủy lợi, các kênh mương, cầu cống… để tính toán lên phương án khắc phục. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt là tập trung ổn định cuộc sống sinh hoạt cho người dân, phòng chống dịch bệnh và bố trí quỹ đất tái định cư.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, với tinh thần "Tương thân, tương ái,” "Lá rách ít đùm lá rách nhiều,” huyện Văn Yên đã phát động kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong huyện trích một phần lợi nhuận, thu nhập của đơn vị mình; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn ủng hộ 1 ngày lương; mỗi gia đình ở thị trấn ủng hộ từ 20 ngàn đồng trở lên, mỗi hộ ở nông thôn ủng hộ ít nhất 10 ngàn đồng để giúp đỡ những người bị nạn và gia đình bị thiệt hại.
Tại Lễ phát động đã quyên góp được trên 136 triệu đồng. Số tiền này, huyện sẽ trao trực tiếp cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, giúp người dân vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Huyện tiếp tục vận động cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân trong toàn huyện và các nhà hảo tâm ủng hộ người dân để có thêm nguồn kinh phí sớm làm những căn nhà mới để cho người dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống.
Để giúp người dân huyện Văn Yên sớm vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, ổn định cuộc sống, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước, các cấp ngành đoàn thể của tỉnh Yên Bái và các nhà hảo tâm./.