Những ngày này, công chúng yêu nhạc và trên mạng xã hội Facebook xôn xao và phản ứng gay gắt việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” - một sáng tác của nhạc sỹ Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, việc cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke ở địa phương có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung...
Ngày 24/3, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chính thức có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang yêu cầu báo cáo rõ việc này.
Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu rõ: Theo thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông, ngày 7/2/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã ban hành Công văn số 120/SVHTTDL-TTr đề nghị Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý, yêu cầu trong thời gian 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát được cấp phép phê duyệt nội dụng kèm theo danh mục 354 bài hát, trong đó có bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến sáng tác năm 1991 phổ thơ Nguyễn Đức Mậu.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang tỉnh Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản liên quan về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/3/2017 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Trên một số báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã khẳng định, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” là việc làm tùy tiện và không đúng.
Nếu lỗi do băng đĩa đó đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc cần phải xử lý phần kỹ thuật hình ảnh chứ không phải là cấm ca khúc. Sai ở đâu sẽ xử lý ở đó, chứ không phải vì hình ảnh sai mà cấm lưu hành và phổ biến ca khúc...
Ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố Đại tá, nhạc sỹ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu) là ca khúc nổi tiếng nói về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải “Ca khúc xuất sắc” của Bộ Quốc phòng vào năm 1994.
Đây là một ca khúc cách mạng và đã được tặng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ca khúc này đã được trình diễn trong chương trình “Giai điệu tự hào” (2015) tôn vinh các bài ca đi cùng năm tháng…
Nhạc sỹ Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một nhạc sỹ nổi tiếng với những ca khúc cách mạng và sau này là những tình khúc trữ tình.
Có thể kể đến một số sáng tác nổi tiếng của ông như “Bác Hồ, một tình yêu bao la,” “Lê-nin, Người đến đất nước tôi,” “Vầng trăng Ba Đình,” “Chia tay hoàng hôn,” “Màu hoa đỏ,” “Em tôi,” “Khát vọng”…/.