Yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng

Sau khi doanh nghiệp bổ sung thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng xuất xứ Trung Quốc, Ấn Độ.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 19/3, Cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp khác có liên quan bày tỏ sự quan tâm về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Sau khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện và nộp tới Cục Phòng vệ thương mại. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Cục sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan đến hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc.

“Trong quá trình thẩm định, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và khách quan các thông tin theo đúng quy định của pháp luật,” đại diện cơ quan này thông tin thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.