Yêu cầu thanh tra doanh nghiệp lỗ 3 năm vẫn mở rộng sản xuất

Bộ Tài chính có trách nhiệm thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm trở lên nhưng tiếp tục mở rộng sản xuất.
Yêu cầu thanh tra doanh nghiệp lỗ 3 năm vẫn mở rộng sản xuất ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp thanh tra với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm trở lên nhưng tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo “Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu Ngân sách nhà nước” vừa được Bộ Tài chính công bố.

Ngoài Bộ Tài chính, trách nhiệm các bộ, ngành cũng được chỉ rõ trong dự thảo nghị định. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch tiền tệ của doanh nghiệp có quan hệ liên kết với các đối tác nước ngoài trong trường hợp cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu cung cấp số liệu về các khoản vay của doanh nghiệp Việt Nam với các công ty nước ngoài là các công ty có giao dịch liên kết và các đơn vị có liên quan theo đề nghị của cơ quan thuế. Những số liệu này bao gồm dữ liệu về giá trị khoản vay, hạn mức khoản vay, lãi suất, thời hạn trả lãi, trả gốc, thực tế giải ngân, lãi vay đã trả và các thông tin liên quan khác.

Một số cơ quan khác cũng được dự thảo nhắc tên như Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng quy định về chuyển giao công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng.

Cụ thể hơn, đối tượng áp dụng dự thảo là đối tượng nộp thuế của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thực hiện các giao dịch kinh doanh với các bên liên kết.

Các giao dịch liên kết theo dự thảo là các giao dịch phát sinh trong các mối quan hệ thương mại, kinh tế, tài chính giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Các giao dịch bao gồm: mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ (gồm dịch vụ nội bộ tập đoàn; dịch vụ tài chính như vay, cho vay,…), tài sản hoặc sử dụng chung nguồn lực (hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; hợp lực tập đoàn) phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.