Nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động ở những nơi đông người, đặc biệt là nơi tiếp giáp khu vực đông dân cư, những công trình trên những tuyến đường giao thông công cộng đông người, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn số 4199/LĐTBXH-ATLĐ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động ở những khu vực này.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các tỉnh triển khai ngay việc rà soát, tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi làm việc nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, nơi đông người, đặc biệt tập trung chú ý các công trình xây dựng và tiếp giáp với các khu đông dân cư, các đường giao thông đông người đi lại, các mỏ khai thác đá, nơi làm việc có yếu tố độc hại.
[Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vụ tai nạn đường sắt đô thị]
Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ ngay hoạt động và tiến hành khắc phục đối với những nơi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở những nơi đông người theo Điều 227 Bộ luật Hình sự thì đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét, khởi tố.
Đối với những vụ việc báo chí phản ánh về vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây tai nạn lao động, gây bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng như của người dân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý. Kết quả thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý gửi về Bộ Lao động-Thương binh và xã hội và phản hồi đến cơ quan báo chí đã nêu vụ việc.
Đặc biệt, khi có các sự việc nghiêm trọng xảy ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải tổ chức xử lý theo thẩm quyền và báo cáo nhanh thông tin về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để có chỉ đạo, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp trong nước lên tới khoảng 700.000 nhưng số lượng thanh tra làm công tác an toàn vệ sinh lao động chỉ có khoảng 150 người, trong đó, thậm chí có những tỉnh không có cán bộ kỹ sư làm công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động nên công tác thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn và với lực lượng thanh tra như hiện nay.
Ông Hà Tất Thắng cho biết, ngoài thanh tra ở cấp bộ, cấp tỉnh thì dự thảo Luật An toàn-Vệ sinh lao động đang đề xuất bổ sung lực lượng thanh tra cấp huyện, nếu cả nước mỗi huyện tăng từ 1-2 thanh tra an toàn, vệ sinh lao động thì cả nước sẽ có thêm khoảng 1.000 thanh tra ở cấp huyện./.
Điều 147 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn, vệ sinh lao động.Theo đó, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm định. Tất cả các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đều phải được kiểm định kỹ và cấp giấy chứng nhận trước khi đưa vào sử dụng./.