Yêu cầu VCPMC dừng thu tiền tác quyền ca khúc “Tiến quân ca”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dừng việc thu tiền tác quyền đối với ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sỹ Văn Cao.
Yêu cầu VCPMC dừng thu tiền tác quyền ca khúc “Tiến quân ca” ảnh 1Ca khúc 'Tiến quân ca' được cố nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1944 và được sử dụng làm 'Quốc ca' nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976. (Ảnh: Chụp lại màn hình)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dừng việc thu tiền tác quyền đối với ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sỹ Văn Cao.

Lý do được công văn nêu rõ: Năm 2010, bà Nghiêm Thúy Hằng, vợ cố nhạc sỹ Văn Cao, đã đại diện gia đình hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca” (được sử dụng làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước theo đúng tâm nguyện của cố nhạc sỹ.

Những ngày qua, báo chí đã phản ánh việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền ca khúc “Tiến quân ca” trong chương trình “Hát mãi khúc quân hành” ngày 15/8 tại Nhà hát Tuổi trẻ và chương trình “Tự hào tổ quốc tôi” ngày 17/8 tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa.

Cả hai chương trình này đều là hoạt động văn hóa hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Việt Nam và Quốc Khánh 2/9.

Ngày 25/8, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp với Cục bản quyền tác giả. Quyết định này được đưa ra sau buổi họp./.

“Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 - 1976, tiếp tục là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976.

Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì "Đoàn quân Việt Nam đi," những người tham gia Việt Minh thường hát là "Đoàn quân Việt Minh đi."

Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của nhạc sỹ Văn Cao. Thông thường, khi cử Quốc ca trong các buổi lễ, chỉ có phần lời 1 của bài hát được sử dụng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.