Yêu cầu Việt Bắc TKV tạm dừng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than

Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam vừa yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP, tạm dừng việc sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than tại 3 mỏ than Khánh Hòa, Na Dương, Núi Hồng.
Yêu cầu Việt Bắc TKV tạm dừng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than ảnh 1Hoạt động tập kết than, xít than xung quanh dưới chân bãi thải Mỏ than Khánh Hòa, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Trước thông tin một số mỏ than của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP (ở tỉnh Thái Nguyên), thời gian qua đã vô tư tập kết, sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm khác ngoài than, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản về vấn đề này.

Theo nội dung văn bản số 2161/ĐCKS-KSMB, Tổng Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam đề nghị Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP tạm dừng việc sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than (bao gồm: đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than, cám đá) đang quản lý tại khu vực lưu trữ của 3 mỏ than gồm Khánh Hòa, Na Dương, Núi Hồng.

Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP, tổng hợp đầy đủ thông tin, số liệu, gửi kèm theo hồ sơ, văn bản, tài liệu chứng từ có liên quan đến khối lượng sản phẩm ngoài than (đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than, cám đá) tại từng mỏ (giai đoạn từ ngày 1/4/2014 đến nay) gửi về Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam để báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Trường hợp muốn tiếp tục sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than, kể cả khoáng sản khác tại các bãi thải, Công ty phải có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật liên quan,” văn bản nhấn mạnh.

[Mega Story ‘Ma trận vàng đen’ trong cơn khát năng lượng]

Ngoài ra, Tổng Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP, tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung tại Văn bản số 2962/TB-ĐCKS, ngày 29/10/2018 về việc thông báo kết quả kiểm tra việc khắc phục tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

“Sau văn bản này, chúng tôi cũng sẽ xin phép lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật,” lãnh đạo Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam nói thêm.

Yêu cầu Việt Bắc TKV tạm dừng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm ngoài than ảnh 2Hoạt động bốc xúc, vận chuyển than, xít than gần khu dân cứ, ngay dưới chân bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Trước đó, như VietnamPlus đã phản ánh loạt bài “Ma trận vàng đen” trong cơn khát…năng lượng, thời gian qua, hoạt động khai thác, tẩu tán than lậu vẫn diễn ra nóng bỏng ở nhiều vùng đất mỏ, đặc biệt là tại các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hải Dương... Mỗi ngày, hàng chục, thậm chí cả trăm, ngàn tấn than vẫn được thẩm lậu ra ngoài, làm thất thoát một lượng tài nguyên khổng lồ gây thất thu ngân sách của Nhà nước và là nguyên nhân của thiếu nhiên liệu cho ngành điện!

Để góp cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện này, phóng viên VietnamPlus đã dành thời gian gần một năm trời đi thực tế, nhập vai người đi mua than, theo chân đội quân phu than, đầu nậu, thâm nhập vào một loạt “Thiên đường than lậu” lớn nhất trên cả nước tại một số mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, để tìm hiểu về “Ma trận vàng đen” trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang dần hiện hữu.

Sau gần một năm đi thực tế, nhập vai người đi mua “vàng đen,” rồi phu than, để thâm nhập vào các “Thiên đường than lậu,” phóng viên VietnamPlus đã tiếp cận được muôn vàn kiểu khai thác, tiêu thụ than lậu. Từ sự móc nối của lực lượng bảo vệ mỏ, bộ phận điều độ… với người mót (lấy) than đến các cách vận chuyển, tuồn than ra khỏi mỏ đến những nơi trung chuyển...

Số lượng than bị thất thoát là không thể tưởng tượng nổi khi mà chỉ một vị trưởng thôn ở xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên thôi, mỗi tháng cũng có thể đánh hàng loạt chiếc xe tải vào khu vực Mỏ than Khánh Hòa để “tuồn lậu” gần 1.000 tấn than?. Rồi các hình thức tuồn lậu than bằng “xuất ngoại giao” được áp dụng cho các cán bộ các cấp trong và ngoài địa phương.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.