Yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng kinh doanh trong thời đại số

Chuyển đổi số đồng nghĩa là dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới, quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ.
Yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng kinh doanh trong thời đại số ảnh 1Giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Xuân Triệu/TTXVN)

Chuyển đổi số từ hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội vốn đã được thực hiện trên phạm vi cả nước và mang lại hiệu quả nhất định cho sự phát triển chung của xã hội.

Đặc biệt là trong và sau khi ứng phó với dịch bệnh COVID-19, chuyển đổi số càng thể hiện rõ vai trò trong điều hành và thực hiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là bệ phóng mới để doanh nghiệp thích ứng kinh doanh trong thời đại số.

Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện

Năm 2020 là năm bắt đầu của nhận thức về chuyển đổi số. Sang năm 2021, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu, chuyển đổi số nhanh chóng được các đơn vị triển khai; trong đó phải kể đến khối doanh nghiệp, để đẩy mạnh bán hàng, tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại thời điểm cuối năm 2021.

Trong thời kỳ số hóa toàn cầu, phát triển kinh tế cũng theo guồng chuyển đổi số này. Các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thích ứng và ứng dụng số hóa, chuyển đổi số để tồn tại, phát triển. Giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19 là một minh chứng thực hiện chuyển đổi số để tồn tại của các doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú chia sẻ giải pháp của tập đoàn là tìm cách giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng, bên cạnh tối đa hóa công suất của nhà máy bằng cách tăng lương cho nhân viên, khích lệ tinh thần của người lao động.

Ở chiều ngược lại, để đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, Tập đoàn Minh Phú phải tăng tỷ lệ nuôi thành công lên 90%. Để làm được điều đó, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa tỷ lệ nuôi thành công lên cao nhất.

Còn ông Nguyễn Hữu Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị MGLAND Việt Nam, cũng cho rằng khi các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thì chọn khâu mạnh nhất và cần thiết nhất của doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi số và số hóa. Khi phát triển thành công khâu mạnh nhất, doanh nghiệp ứng dụng vào khâu kế tiếp thì sẽ phát huy hiệu quả nhất của ứng dụng chuyển đổi số, doanh thu cũng sẽ đảm bảo và phát triển toàn diện.

Trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, doanh nghiệp nào cũng sẽ rơi vào bị động trong giao dịch và tiêu thụ hàng hóa nhưng không ít doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng vẫn giữ vững doanh số.

[Chuyển đổi số quốc gia: Tăng cường phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng]

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) chia sẻ từ năm 2016, HAWA đã bắt đầu chuyển đổi số thông qua sử dụng phần mềm tăng cường hiệu quả quản lý văn phòng.

Trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19, HAWA đã xây dựng nền tảng giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến trên showroom ảo, dần hoàn thiện phần ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường cho ngành hàng của mình.

Tăng tốc trong an toàn

Chuyển đổi số cũng đồng nghĩa là dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới, quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ.

Mặt khác, việc chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự dẫn dắt của người đứng đầu các đơn vị. Đồng thời, khi lựa chọn chuyển đổi số, chính là giao toàn bộ bí mật của đơn vị, doanh nghiệp cho công nghệ và số hóa. Do đó, chuyển đổi số phải an toàn là tiêu chí hàng đầu khi các doanh nghiệp đặt ra.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết vấn đề khó khăn hiện nay chính là kỹ năng số của người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, bồi dưỡng kỹ năng số là bước đi đầu tiên để có thể thực hiện chuyển đổi số an toàn. Việc bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố sống còn của chuyển đổi số. Mỗi một người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số cơ bản về an toàn thông tin để tự bảo vệ mình, người thân của mình khỏi các nguy cơ tấn công, lừa đảo và các nguy cơ khác trên không gian mạng.

Yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng kinh doanh trong thời đại số ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, chia sẻ qua thực tế chứng minh, nhiều doanh nghiệp lớn như VPBank, PNJ, Tập đoàn Minh Phú, AA Corporation, Tập đoàn Thiên Long, FPT, Deloitte… đã vượt qua những đợt khủng hoảng bằng giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng số an toàn, chuyển đổi mô hình kinh doanh và mô hình làm việc, tối ưu nguồn nhân lực và ứng dụng chuyển đổi số.

Qua những thực tế khách quan của chính FPT, giải pháp phân công tối ưu được áp dụng tại FPT Telecom đã giúp nhà viễn thông tiết kiệm hàng tỷ đồng, năng suất lao động tăng gần 28%, khách hàng có thể theo dõi lộ trình thực hiện của kỹ thuật viên thông qua app mobile. Với giải pháp số hóa quy trình và giao việc tự động FPT Spro đã làm giảm 90% thời gian trung bình xử lý một tờ trình phức tạp, 70% thời gian phê duyệt trung bình của lãnh đạo, tăng 150% năng suất phục vụ của cán bộ hỗ trợ (back office).

Với xu thế phát triển hiện nay, chuyển đổi số còn thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành hàng khi tổ chức các chiến lược tiếp cận khách hàng. Đơn vị, doanh nghiệp nào có năng lực tiếp cận được số lượng khách hàng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất, chính là đã tăng thêm năng lực cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp làm ra.

Thêm vào đó, số hóa cũng giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng khả năng tương tác trực tiếp, thay vì phải thông qua hệ thống góp ý bằng thư phản hồi như trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.