1.000 người tầm soát đái tháo đường, khám sức khỏe miễn phí

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tương đương với 6% tổng dân số.
Người dân xét nghiệm máu tại Ngày hội vì cộng đồng – gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh Đái tháo đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới (14/11), Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam phối hợp cùng AstraZeneca Việt Nam tổ chức Ngày hội vì cộng đồng – gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh Đái tháo đường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện đã thu hút 1.500 người tham dự bao gồm 1.000 người dân có nguy cơ bị đái tháo đường, và hơn 500 tình nguyện viên của Thành đoàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cùng bác sỹ tình nguyện đến từ 8 bệnh viện lớn của cả nước.

[107 bệnh nhân được phẫu thuật tim bằng phương pháp Ozaki]

Sự kiện năm nay được tổ chức với chủ đề “Gia đình cùng hành động sớm phòng ngừa bệnh đái tháo đường.”

Tại ngày hội, người dân không chỉ được làm xét nghiệm đái tháo đường, mà còn được các bác sỹ khám, tư vấn miễn phí về chế độ dinh dưỡng và luyện tập; các bạn trẻ tham gia hiến máu tình nguyện cùng đạp xe diễu hành để lan tỏa thông điệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường.

Phát biểu tại ngày hội, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba tại Việt Nam, cho thấy sự cần thiết của việc khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.

Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn chương trình sẽ nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và đặc biệt là các bạn thanh niên, các thầy thuốc trẻ trong việc chung tay, góp sức cùng đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đạp xe diễu hành để lan tỏa thông điệp tại ngày hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) chia sẻ, thông qua chương trình, Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức về tác động của bệnh tiểu đường đối với gia đình và mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục tiểu đường.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) trong năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tương đương với 6% tổng dân số. Dự đoán đến năm 2045 sẽ có 6,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tăng 78,5%. Tuy nhiên, có tới 70% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và trong số đó, chỉ 28,9% bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ mới 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

Một nghiên cứu toàn cầu gần đây đã chứng minh rằng việc dự phòng tiên phát (dùng thuốc điều trị phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường trước khi họ mắc phải các bệnh tim mạch) bên cạnh dự phòng thứ phát sẽ làm giảm đáng kể tình trạng nhập viện do suy tim hoặc tử vong do tim mạch.

Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2025, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động và các địa phương triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở đã được triển khai như quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã; Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/thành phố triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã. 
Nhiều sai lầm trong điều trị bệnh tiểu đường. (Nguồn:
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục